'Người bệnh ung thư, sao còn bắt đi xin giấy chuyển viện'

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người bệnh ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì 'cho họ chuyển thẳng lên Trung ương, sao phải bắt họ qua tuyến huyện, rồi lại lên tuyến tỉnh' để xin giấy chuyển viện.

Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 thông qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến việc sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia; quy định về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh BHYT theo hướng dẫn không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng đối với một số trường hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại họp báo công bố luật. Ảnh: Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại họp báo công bố luật. Ảnh: Quốc hội

Người tham gia BHYT được thanh toán 100% mức hưởng khi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh cấp ban đầu trên toàn quốc. Người bệnh cũng được thanh toán 100% mức hưởng khi khám chữa bệnh nội trú, 50 -100% mức hưởng khi khám chữa bệnh ngoại trú (theo lộ trình do Chính phủ quy định) tại cơ sở khám chữa bệnh cấp cơ bản trên toàn quốc. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở chuyên sâu.

Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết nếu đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở cơ sở y tế cấp huyện, khi chuyển viện phải từ cấp huyện lên cấp tỉnh, rồi từ cấp tỉnh lên Trung ương. Như vậy rất mất thời gian, trong khi có những bệnh cần chuyển tuyến ngay.

Quy định địa giới hành chính còn khiến một số người tham gia BHYT dù nhà ở ngay sát cơ sở khám chữa bệnh "chỉ cách 5-7m thôi", nhưng vì không phải nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nên vẫn phải tới cơ sở y tế tuyến huyện cách xa vài km.

Tương tự, khi đi công tác ở địa phương khác, người bệnh nếu nhập viện trong tình trạng cấp cứu thì được thanh toán 100% BHYT, còn "hắt hơi, sổ mũi, viêm họng vào khám là phải nộp tiền".

Ông Tuyên cũng dẫn chứng câu chuyện sinh viên nghỉ hè, về quê đi khám sức khỏe vẫn phải nộp tiền, vì không đúng nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu, rất bất cập.

Với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, đặc biệt với người bệnh bị ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì "cho họ chuyển thẳng lên Trung ương, sao phải bắt họ qua tuyến huyện xin, rồi lại lên tuyến tỉnh xin". Do đó, luật sửa đổi đã quy định nhóm bệnh này được chuyển thẳng lên cấp cao hơn mà không cần giấy chuyển viện.

Với mục đích cải cách hành chính, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ quy định hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tuyến trên không bị quá tải.

Tuy nhiên ông Tuyên cũng nêu rõ muốn bệnh nhân khám sức khỏe ban đầu không đi tuyến trên thì tuyến dưới phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cán bộ y tế.

Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-bi-benh-ung-thu-sao-con-bat-di-xin-giay-chuyen-vien-2354811.html
Zalo