Người bệnh tiểu đường có nên ăn ít cơm?
Người bệnh tiểu đường thường được khuyên nên hạn chế tiêu thụ chất đường bột (còn gọi là carbohydrate hay carbs) như cơm, bánh mì, bún, phở, mì... Nhưng bằng chứng khoa học nói gì về điều này?
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí nghiên cứu Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, đã phát hiện người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2, áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate có thể cải thiện chức năng tế bào beta, có khả năng giúp họ kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn và thậm chí có thể giảm việc dùng thuốc, theo chuyên trang khoa học Scitech Daily.
• VAI TRÒ CỦA TẾ BÀO BETA TRONG BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Tế bào beta là các tế bào chuyên biệt trong tuyến tụy sản xuất và giải phóng insulin - hoóc môn chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu.
Ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2, các tế bào beta thường gặp khó khăn trong việc phản ứng đúng với lượng đường trong máu tăng cao, một phần có thể liên quan đến lượng carbohydrate nạp vào cao. Rối loạn chức năng tế bào beta này, cùng với tình trạng kháng insulin, thúc đẩy sự phát triển và tiến triển của bệnh.
• VỀ NGHIÊN CỨU
Các nhà khoa học từ Đại học Alabama, Birmingham (Mỹ), đã thu thập dữ liệu của 57 người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2, với một nửa được áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate và một nửa còn lại ăn nhiều carbohydrate. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra chức năng tế bào beta và tiết insulin của người tham gia khi bắt đầu và sau 12 tuần.
Tất cả những người tham gia đều được cung cấp các bữa ăn theo thử nghiệm như sau:
Nhóm tiêu thụ ít carbohydrate: Ăn 9% carbohydrate và 65% chất béo
Nhóm tiêu thụ nhiều carbohydrate: Ăn 55% carbohydrate và 20% chất béo.
Kết quả đã phát hiện chế độ ăn ít carbohydrate có thể giúp người lớn mắc bệnh tiểu đường cải thiện chức năng insulin và có thể giảm nhu cầu dùng thuốc tiểu đường, với những cải thiện đáng kể được quan sát thấy ở các nhóm chủng tộc khác nhau.
Cụ thể, nhóm tiêu thụ ít carbohydrate đã tăng phản ứng tế bào beta cấp tính lên 200% và tăng 22% trong phản ứng của tế bào beta tối đa so với nhóm tiêu thụ nhiều carbohydrate, theo Scitech Daily.
Tác giả chính, tiến sĩ Barbara Gower, từ Đại học Alabama, cho biết: Nghiên cứu này cho thấy người bệnh tiểu đường loại 2 áp dụng chế độ ăn ít carbohydrate như cơm, bánh mì, mì … có thể phục hồi các tế bào beta, một kết quả không thể đạt được bằng thuốc.
Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường nhẹ, nếu giảm tiêu thụ carbohydrate và thay thế bằng nhiều protein hơn trong các bữa ăn chính và bữa ăn vặt để có đủ năng lượng, có thể ngừng dùng thuốc.
Tiến sĩ Gower kết luận: Cần nghiên cứu thêm để xác định xem chế độ ăn ít carbohydrate có thể phục hồi chức năng tế bào beta và dẫn đến thuyên giảm bệnh ở những người bệnh tiểu đường nặng hơn hay không.
Cần lưu ý rằng khi muốn áp dụng một thay đổi nào trong chế độ ăn uống hay sử dụng thuốc, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước.