Người bán sách lậu vòi 'mời cà phê', 'tiền ủng hộ'

Không chỉ chia sẻ ebook miễn phí, một số người đã lợi dụng sách lậu để kiếm tiền từ độc giả.

 Ebook lậu xuất hiện trên Google Play. Ảnh: IBTimes.

Ebook lậu xuất hiện trên Google Play. Ảnh: IBTimes.

Từ nhiều năm nay, thị trường sách điện tử tại Việt Nam phải đối mặt với sự lan tràn của ebook lậu. Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, hàng loạt nhóm và diễn đàn công khai chia sẻ sách lậu, thu hút hàng trăm nghìn thành viên. Trong một diễn đàn có 200.000 thành viên, hoạt động tìm kiếm và cung cấp ebook không bản quyền diễn ra thường xuyên.

Trong khi đó, các nền tảng bán ebook hợp pháp ít nhận được sự chú ý tương xứng, phần lớn vì khả năng hiển thị thấp trên công cụ tìm kiếm và cách tiếp cận chưa hiệu quả.

Khi ebook lậu trở thành lựa chọn bất đắc dĩ

Hiện nay, sự phổ biến của ebook lậu không chỉ dừng lại ở sách tiếng Việt. Với sự hỗ trợ của công nghệ dịch tự động, nhiều đối tượng còn tạo ra các bản dịch sách ngoại văn, bất chấp chất lượng thấp và sai sót lớn. Người dùng đôi khi không phân biệt được bản lậu được dịch thủ công hay sử dụng AI hoàn toàn. Điều này càng làm gia tăng sự hỗn loạn trên thị trường sách số.

Điển hình, cuốn Nexus của Yuval Noah Harari vừa ra mắt vào cuối tháng 9/2024 đã xuất hiện bản lậu chỉ sau vài tuần. Những tài khoản chia sẻ sách lậu thậm chí còn kêu gọi người dùng “ủng hộ” qua hình thức “mời cà phê” với mức phí chỉ từ 15.000 đến 50.000 đồng.

 Ebook lậu ngang nhiên đòi độc giả gửi tiền "mời cà phê".

Ebook lậu ngang nhiên đòi độc giả gửi tiền "mời cà phê".

Trước đó, tác phẩm Thư cho em của tác giả Hoàng Nam Tiến đã bị làm giả bản ebook khi vừa mới ra mắt vài tháng. Những tác phẩm nổi tiếng trên TikTok như Lén nhặt chuyện đời của Sbooks cũng đã có bản sách điện tử cho dù đơn vị này không cấp bản quyền ebook. Chỉ cần một bài đăng, nhiều người khác sẽ vào xin và chia sẻ file pdf cuốn sách. Khi độc giả đăng tải bài viết tìm mua sách thật, cò sách lậu lập tức tiếp cận và gửi cho họ những bản scan sách.

Các dòng sách phổ biến được đối tượng làm lậu hướng đến là sách kinh doanh, sách tâm lý. Trong khi đó các cuốn sách về lịch sử, khoa học kỹ thuật, tiểu thuyết có phần ít được đề cập đến hơn. Sách luyện thi ngôn ngữ là mảng bị làm lậu nhiều và việc này đã diễn ra trong nhiều năm trời.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Nguyễn Phương Lan (độc giả tại Hà Nội), việc tải ebook lậu đôi khi trở thành lựa chọn bất đắc dĩ. Nhiều cuốn sách yêu thích không có trên các nền tảng sách có bản quyền, đặc biệt là sách cũ hoặc những tựa sách mới chưa kịp phát hành phiên bản số.

"Mình có tìm kiếm tác phẩm truyện ngôn tình Trung Quốc rất nổi tiếng những năm 2012-2014 của Diệp Lạc Vô Tâm, Cố Mạn, Châu Văn Văn, Thương Thái Vi… nhưng những nền tảng ebook có bản quyền đều không có. Vì vậy, mình đành tìm tới những kênh ebook lậu”, độc giả Phương Lan cho biết.

Các đơn vị sách và tác giả chịu thiệt hại

Vấn nạn ebook lậu có thể gây thiệt hại nặng nề cho các nhà xuất bản và tác giả. Theo thống kê từ một website về ebook, có những cuốn sách đã nhận được hơn 10.000 lượt tải. Tuy nhiên, các tác giả không nhận được bất kỳ khoản nhuận bút nào từ lượng độc giả khổng lồ này, dù sách của họ có thể đang rất được yêu thích.

Tác giả Rosie Nguyễn từng chia sẻ trên trang cá nhân vào năm 2024 rằng tình trạng sách của bà bị đăng lậu tại Việt Nam đang diễn ra tràn lan.

Bà cho biết trong một lần vô tình thấy sách của mình xuất hiện trên một trang ebook lậu, số lượt tải đã vượt quá 500.000, một con số không hề nhỏ. Rosie Nguyễn bày tỏ sự xót xa khi những tác giả nghèo, đang phải tha hương để học tập và xây dựng cuộc đời nơi đất khách với muôn vàn khó khăn, lại không nhận được bất kỳ khoản nhuận bút nào từ số lượng tải khổng lồ đó.

 Đơn vị Alphabooks từng phát hiện ebooks lậu tại thư viện một trường đại học. Ảnh: Alphabooks.

Đơn vị Alphabooks từng phát hiện ebooks lậu tại thư viện một trường đại học. Ảnh: Alphabooks.

Hơn nữa, sách lậu thường được sao chép và phân phối một cách cẩu thả, dẫn đến nhiều lỗi trong nội dung, dịch thuật và trình bày. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của người đọc và làm giảm uy tín của đơn vị xuất bản. Tệ hơn, các đối tượng phát tán sách lậu thường sử dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá và thu lợi nhuận thông qua hình thức “quyên góp” hoặc phí tải về, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với những đơn vị làm sách chính thống.

Nạn sách lậu phát tán có thể làm suy yếu ý thức tôn trọng bản quyền trong cộng đồng. Khi người đọc quen với việc sử dụng sách lậu mà không phải trả phí, các chiến dịch tuyên truyền về giá trị của sách có bản quyền sẽ trở nên khó khăn hơn, khiến ngành xuất bản và tác giả thiệt hại nặng nề.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-ban-sach-lau-ngang-nhien-voi-tien-ca-phe-tien-ung-ho-post1519760.html
Zalo