Người Ba Na ở Kon Tum làm du lịch cộng đồng cùng vươn lên thoát nghèo
Các mô hình du lịch cộng đồng tại Kon Tum đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân ổn định kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke... Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng được huyện xác định là thế mạnh, lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Mô hình này mở ra nhiều cơ hội cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Trước đây, người dân làng Vi Rơ Ngheo chưa biết làm du lịch cộng đồng, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động về lợi ích từ làm du lịch cộng đồng để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn tham gia.
Nằm nay ở trung tâm làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, Thong Bahnar Village là tổ hợp xưởng dệt vải thủ công Bahnar tại KonTum, kết hợp với quán trà và cafe. Nhiều workshop, minishow được anh A Thong (chủ quán) tổ chức, giới thiệu về vải dệt thủ công trên khung dệt cổ của người Ba Na hàng trăm năm nay.
Từ ngày tham gia vào làm du lịch cộng đồng, chị Thùy là một trong nhiều người dân tộc thiểu số được cấp chứng chỉ pha chế từ trường cao đẳng cộng đồng của tỉnh. Hiện người phụ nữ này tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch của địa phương.
Homestay A Hiền tại làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo được xây dựng với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong làng. Từ năm 2021 đến nay, homestay của anh Hiền dần đi vào ổn định, hàng năm có 300-400 lượt khách đến lưu trú, tham quan du lịch. Nơi đây cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với thu nhập thấp nhất là 100.000 đồng/ngày.
Làng Vi Rơ Ngheo còn có 4 homestay khác cũng thu hút khách du lịch với thiên nhiên tươi đẹp, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng do những nghệ nhân trong làng biểu diễn, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm như dệt thổ cẩm, đan lát...
Bà Y Hân, thành viên Tổ dệt thổ cẩm, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, cho biết trước kia, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ phục vụ khách du lịch mua làm quà nên bà con cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống.
Homestay A Biu ở làng Plei Klếch, xã Ngọk Bay của nghệ nhân A Biu cũng là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng. Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Kon Tum hơn 5km. Tại đây có hai dãy nhà sàn rộng 120m2, khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na, và đặc biệt có cả sân khấu biểu diễn cồng chiêng ngoài trời, do đích thân nghệ nhân A Biu và một số nghệ nhân người Ba Na khác biểu diễn.
Nghệ nhân A Biu chia sẻ ngoài mục đích về lợi ích kinh tế, ông còn mong muốn duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhờ các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn liền với bản sắc văn hóa của người Ba Na tại khu du lịch, trung bình mỗi tháng homestay đón từ 3-4 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10-25 người.
Từ sự hỗ trợ của UBND thành phố và nguồn vay ưu đãi, nhiều bà con đồng bào Ba Na đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên; đồng thời xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm như diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla…
Từ những thành tựu đã đạt được, có thể thấy, phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Tum đang là hướng đi đúng giúp bà con nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững.