Người ảnh hưởng trẻ em – đến lúc luật pháp phải can thiệp

Các nhà làm luật ngày càng lo ngại về các nguy cơ khi trẻ em phải 'lao động' trên mạng xã hội và hình ảnh được chia sẻ quá mức.

Năm 2018, cậu bé Ryan 7 tuổi – chủ nhân của kênh YouTube RyanToysReview – là youtuber có thu nhập cao nhất (22 triệu đô la Mỹ), với 17 triệu người theo dõi các video đánh giá sản phẩm trò chơi trẻ em.

Năm 2018, cậu bé Ryan 7 tuổi – chủ nhân của kênh YouTube RyanToysReview – là youtuber có thu nhập cao nhất (22 triệu đô la Mỹ), với 17 triệu người theo dõi các video đánh giá sản phẩm trò chơi trẻ em.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà người ảnh hưởng (influencer hay KOL – key opinion leader) và thương hiệu cá nhân đang làm mưa làm gió trên các mạng xã hội. Tầm quan trọng của người ảnh hưởng thể hiện ở tác động của họ tới hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trên toàn cầu. Một điều tra nghiên cứu của Digital Marketing Institute cho thấy 49% người tiêu dùng phụ thuộc vào ý kiến của người ảnh hưởng khi mua sắm. Hơn nữa, 40% trong số những người này đã mua hàng hóa hoặc sản phẩm sau khi người ảnh hưởng quảng cáo mặt hàng này trên các mạng xã hội như Instagram, Twitter hay YouTube.

Một trong những người ảnh hưởng nổi tiếng nhất thế giới, Kylie Jenner, có tới 396 triệu người theo dõi trên Instagram. Khi Kylie Jenner giới thiệu một sản phẩm thời trang hay mỹ phẩm nào đó, chỉ vài giờ sau thì mặt hàng đó có thể hết sạch. Sự ảnh hưởng của Kylie Jenner lớn tới mức ý kiến của cô có thể là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của một sản phẩm.

Những rủi ro khi nổi tiếng quá sớm

Trong thế giới mà trẻ em cũng dùng điện thoại thông minh, không có gì ngạc nhiên khi vị thế “người ảnh hưởng” không chỉ dành cho người lớn. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều người ảnh hưởng là trẻ em. Sự thành công của những đứa trẻ này có thể làm nhiều người sửng sốt. Năm 2018, cậu bé Ryan 7 tuổi – chủ nhân của kênh YouTube RyanToysReview – là youtuber có thu nhập cao nhất (22 triệu đô la Mỹ), với 17 triệu người theo dõi các video giới thiệu và đánh giá sản phẩm trò chơi trẻ em.

Hiện nay, phần lớn mạng xã hội không áp dụng các biện pháp kỹ thuật giới hạn tuổi có thể lập tài khoản và trẻ em có thể có tài khoản mạng xã hội mà không có sự kiểm soát của bố mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp các “influencer” nhí này, phần lớn “sự nghiệp” người ảnh hưởng đều do phụ huynh quản lý và phát triển. Rõ ràng là khi trẻ em có thể kiếm nhiều tiền hơn cả người lớn với những video trên mạng xã hội, không hiếm các bậc cha mẹ sẵn sàng ủng hộ ước mơ thành người nổi tiếng, người ảnh hưởng của con cái.

Thật đáng tiếc là những người “giật dây” đằng sau những chiến lược kinh doanh này lại chính là các bậc cha mẹ – những người có nghĩa vụ bảo vệ và đảm bảo an toàn tâm sinh lý và phát triển toàn diện của trẻ.

Nếu như phần lớn mọi người đều chỉ thấy bề nổi là sự thành công và nguồn thu nhập khổng lồ của những đứa trẻ là người ảnh hưởng, thì mặt tối của nó cũng đặc biệt đáng lo ngại. Một nghiên cứu cho thấy, với 5.000 đứa trẻ là người ảnh hưởng, có tới 32 triệu “người theo dõi” là nam giới tuổi thành niên. Có những bậc cha mẹ nhắm tới việc thu hút đối tượng người theo dõi này bằng cách đăng tải những hình ảnh trẻ em nhạy cảm. Tờ The New York Times từng cảnh báo hiện tượng này khi chỉ ra những bức ảnh bé gái mặc bikini tạo dáng như phụ nữ trưởng thành đăng tải trên Instagram. Không chỉ thế, những đứa trẻ là người ảnh hưởng này cũng thường xuyên tương tác với người theo dõi qua các chương trình nói chuyện riêng và tất nhiên cả với những đối tượng người theo dõi không phù hợp, như những kẻ lạm dụng trẻ em.

Thật đáng tiếc là những người “giật dây” đằng sau những chiến lược kinh doanh này lại chính là các bậc cha mẹ – những người có nghĩa vụ bảo vệ và đảm bảo an toàn tâm sinh lý và phát triển toàn diện của trẻ. Rõ ràng là, trong trường hợp này, nạn nhân chính là những KOL trẻ em – những trẻ mà hình ảnh bị đăng tải quá mức trên mạng xã hội mà không vì lợi ích thực sự của chúng.

Trước hiện tượng “sharening” (chia sẻ quá mức hình ảnh trẻ em), các nhà làm luật ngày càng lo ngại về các nguy cơ như quấy rối trên mạng, lạm dụng tình dục trẻ em, tống tiền hay trộm cắp danh tính… Chính vì thế, nhiều quốc gia đã quyết định xây dựng luật đầy đủ và nghiêm ngặt hơn nhằm bảo vệ trẻ em, đặc biệt là quyền hình ảnh của trẻ em.

Kinh nghiệm từ Pháp, Mỹ

Năm 2020, Cộng hòa Pháp đã ra luật nhắm tới việc bảo vệ trẻ em là người có ảnh hưởng. Luật này cho phép trẻ em được yêu cầu xóa bỏ các hình ảnh trên mạng, mà không cần có sự cho phép của bố mẹ hay người giám hộ.

Không chỉ thế, vào đầu năm 2024, Cộng hòa Pháp cũng đã thông qua luật mới về quyền hình ảnh trẻ em. Luật 2024 của Pháp đi xa hơn các quy định thông thường hiện nay về quyền hình ảnh của trẻ em như một quyền về dữ liệu cá nhân trẻ em. Luật mới này áp dụng trực tiếp tới đối tượng là bố mẹ hay người giám hộ trẻ em. Theo luật này, quyền hình ảnh trẻ em có thể được thực hiện bởi cả bố và mẹ, với mục đích là bảo vệ lợi ích trẻ em. Đặc biệt, trẻ em phải được góp tiếng nói trong việc quyết định sử dụng hình ảnh bản thân, tùy vào độ tuổi và mức độ trưởng thành. Luật cũng quy định cấm một trong hai bậc phụ huynh chia sẻ hình ảnh con cái mà không có sự đồng ý của người còn lại. Trong trường hợp một trong hai người phản đối việc chia sẻ hình ảnh con lên mạng xã hội mà người kia vẫn cố tình thực hiện, thì người phản đối có thể đưa tranh chấp tới tòa án để yêu cầu nhanh chóng chấm dứt hành động này.

Trong trường hợp việc hình ảnh trẻ em bị đưa lên mạng có ảnh hưởng tới danh dự hay sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ, tòa án có thể quyết định chấm dứt một phần hay toàn bộ quyền giám hộ của bố mẹ. Luật này cũng quy định rằng Ủy ban quốc gia về Tin học và Quyền tự do Pháp (CNIL) có thể đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định cấm hoạt động đối với những trang web đăng tải hình ảnh vi phạm quyền trẻ em, nếu những đối tượng này không tuân thủ yêu cầu xóa bỏ dữ liệu cá nhân trẻ em trên mạng. Đây là một luật rất được các bậc phụ huynh Pháp hoan nghênh và nước Pháp vẫn luôn được coi là đi đầu trong vấn đề bảo vệ quyền riêng tư trên mạng.

Nước Mỹ ngày càng có nhiều bang ra luật liên quan tới việc đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng, nhưng dưới một góc nhìn khác nước Pháp. Ví dụ, bang Illinois đã thông qua luật đảm bảo trẻ em dưới 18 tuổi phải được bù đắp về mặt tài chính nếu như xuất hiện trong các vlogs (chương trình nhật ký trên các nền tảng video) hay các video trên mạng xã hội. Ở California hay Pennsylvania, các nhà làm luật cũng thông báo sẽ thông qua luật tương tự về “lao động trẻ em trên mạng”.

Ở quốc gia hàng đầu về số lượng người ảnh hưởng này, luật về trẻ em là người ảnh hưởng được xây dựng như luật về bảo vệ diễn viên trẻ em trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đáng tiếc là một số bang khác của nước Mỹ như New York và New Jersey đã thất bại trong việc thông qua dự thảo luật. Năm 2024 cũng chứng kiến một số bố mẹ Mỹ nổi đình nổi đám trên mạng xã hội về các video gia đình phải ra hầu tòa vì tội ngược đãi trẻ em. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy nhiều bang của nước Mỹ ra luật siết chặt hơn việc bảo vệ quyền hình ảnh của trẻ em.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-anh-huong-tre-em-den-luc-luat-phap-phai-can-thiep/
Zalo