Ngược xuôi văn nghệ: Đem lại sức sống lâu bền cho kỷ vật
Ngay những ngày đầu năm 2024, nhạc sĩ Doãn Nho đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) nhiều tài liệu, hiện vật quý của ông, trong đó có bản thảo những tác phẩm đã đi cùng năm tháng, như 'Năm anh em trên một chiếc xe tăng', 'Người con gái sông La', 'Chiếc khăn Piêu', 'Tiến bước dưới quân kỳ'…
Đây là lần thứ hai nhạc sĩ Doãn Nho trao tặng tài liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Trước đó, vào năm 2012, ông đã trao tặng trung tâm này 50 hồ sơ, gồm hàng nghìn trang bản thảo các sáng tác thanh nhạc và khí nhạc, được ông viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, từ năm 1950 đến năm 2009.
Ngoài nhạc sĩ Doãn Nho, những năm qua, nhiều văn nghệ sĩ gạo cội, uy tín và gia đình đã trao tặng những tài liệu, hiện vật cá nhân giá trị đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Như nhạc sĩ Văn Cao tặng những tư liệu liên quan tới việc sáng tác “Tiến quân ca” - Quốc ca Việt Nam; gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước trao tặng tài liệu hàng nghìn mẫu, trong đó có bản gốc các phác thảo Quốc huy, mẫu huân - huy chương, tem thư, biểu trưng…; Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tặng nhiều bộ ảnh quý về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và về hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Có rất nhiều tài liệu, hiện vật, câu chuyện riêng gắn với chặng đường gian nan và vinh quang của dân tộc. Tuy nhiên, nếu chỉ được lưu giữ cá nhân hoặc trong các gia đình với điều kiện bảo quản còn hạn chế, có thể sẽ làm giảm tuổi thọ của các tài liệu, hiện vật hoặc khiến chúng bị lãng quên… Vì vậy, việc trao tặng tài liệu, hiện vật quý của các văn nghệ sĩ cho cơ quan lưu trữ của Nhà nước là việc làm ý nghĩa. Việc này không chỉ làm phong phú nguồn phông lưu trữ quốc gia mà còn giúp các tài liệu, hiện vật được bảo quản trong điều kiện tốt nhất, đồng thời đưa chúng thành di sản quốc gia để gìn giữ, phát huy và đem lại sức sống lâu bền hơn.