Ngược dòng thị trường, FPT kết phiên cuối năm tăng kỷ lục
Bất chấp nhịp giảm chung của thị trường, cổ phiếu FPT kết phiên cuối năm vẫn tăng ngoạn mục, lập kỷ lục mới.
Thị trường kết năm 2024 trong sắc đỏ
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, giảm hơn 5 điểm so với phiên trước đó. Thanh khoản duy trì ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 11.600 tỷ đồng.
Công thần đỡ chỉ số phiên hôm nay là FPT với đóng góp gần 1 điểm tăng cho VN-Index. Cả năm 2024, FPT cũng là mã đứng đầu về mức đóng góp cho thị trường, kéo tăng chỉ số gần 27 điểm. Phiên hôm nay, CTG, VCB, BID là các mã đè thị trường mạnh nhất.
Sau các phiên tăng mạnh, nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh. HDB giảm mạnh nhất (-4,3%), còn CTG giảm 2,8%, STB giảm 2,5%, BID giảm 1,8%. Một số mã khác cũng giảm, bao gồm BVH (-2,5%), PLX (-1,8%), SSI (-1,5%), POW và SAB giảm hơn 1%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ACB tăng 1,6%, BCM tăng 1,6%, FPT tăng 1,3%, MBB tăng 1,2%, TCB tăng 1%. Các mã SSB và VNM cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. VIC, VRE, TPB, SHB, MWG giữ nguyên mức tham chiếu.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, các nhóm trụ cột khác cũng ghi nhận sự giảm điểm. Trong nhóm chứng khoán, các mã đầu ngành đều giảm, bao gồm SSI (-1,5%), VIX (-1,5%), VND (-1,2%), VCI (-1,2%), SHS (-1,5%), HCM (-0,7%). Tuy nhiên, một số mã nhỏ lại có sự tăng trưởng, như AAS (+1,1%), ABW (+1,2%), EVS (+1,8%), PHS (+8,5%), TCI (+3,5%), TVS (+2,1%), cùng với VFS, DSC và CSI tăng nhẹ.
Trong nhóm bất động sản, đa số các mã giảm điểm hoặc giữ mức tham chiếu. Các mã giảm mạnh có HPX (-2,3%), NTL (-1,6%), PDR (-1,4%), CEO (-1,5%), DXG (-1,3%), HDC (-1,2%). Các mã như VHM, KDH, KBC, TCH, NVL, IDC, HQC, LHG, QCG giảm nhẹ. Các mã tăng trong nhóm bao gồm VPI (+2,8%), BCM (+1,6%), SZC (+1,7%), DXS (+1,8%), SJS (+2,1%), CDC (+1,5%), NLG, SIP, SCR, SSH và CRE cũng tăng nhẹ.
Nhóm thép ghi nhận sự giảm nhẹ của HPG, trong khi HSG và NKG cùng giảm hơn 1%. SMC giảm sâu 3,3%, TVN giảm 1,3%, VCA giảm hơn 2%. VGS tăng nhẹ và GDA giữ mức tham chiếu.
Các nhóm ngành khác có sự phân hóa rõ rệt, với phần lớn các cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Một số mã tăng mạnh là MCH (+6,4%), HNG (+1,7%), BSR (+1,8%), GEE (+3,9%), SAM (+2,4%). Các mã YEG và KSV, sau giai đoạn tăng nóng trước đó, tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh và giảm sàn. YEG giảm về mức 18.600 đồng/cp, mất hơn 20% chỉ trong tuần qua.
Sau hai phiên mua ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại bán ròng với giá trị gần 300 tỷ đồng tại sàn HoSE. Các mã ngân hàng chịu áp lực bán mạnh, bao gồm VCB (-132 tỷ đồng), BID (-72 tỷ đồng), STB (-70 tỷ đồng), HDB (-47 tỷ đồng). Các mã khác trong danh sách bán ròng có VHM (-45 tỷ đồng), DCM, GAS, VND, FPT (-20-30 tỷ đồng).
Ngược lại, FRT là mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị 72 tỷ đồng, theo sau là CTG (+67 tỷ đồng). Ngoài ra, các mã như MWG (+37 tỷ đồng), DGC (+31 tỷ đồng), VNM (+28 tỷ đồng), LPB (+25 tỷ đồng), KDH (+21 tỷ đồng) cũng ghi nhận mức mua ròng đáng chú ý.
FPT kết phiên cuối năm tăng kỷ lục
Mặc dù thị trường chung chìm trong "sắc đỏ", cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT vẫn giữ vững phong độ với "sắc xanh" tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, cổ phiếu FPT đứng ở mức 152.500 đồng/cp, đánh dấu lần vượt đỉnh thứ 42 trong lịch sử của cổ phiếu này.
Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu FPT đạt mức 153.900 đồng/cp, cao nhất từ trước đến nay. Tính từ đầu năm 2024, thị giá FPT đã tăng khoảng 85%. Vốn hóa thị trường cũng đạt kỷ lục mới với 225.000 tỷ đồng (9 tỷ USD), đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau bốn doanh nghiệp Nhà nước là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.
Trong năm 2024, FPT đặt mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu đạt 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện của năm 2023. Với kết quả đạt được sau 11 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định trong kinh doanh, FPT vẫn duy trì truyền thống trả cổ tức đều đặn. Mới đây, vào ngày 13/12, FPT đã chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, danh sách cổ đông được chốt vào ngày 3/12 trước đó. Đây là đợt cổ tức thứ 2 mà cổ đông FPT nhận được trong năm 2024.
Trước đó, vào giữa tháng 6, FPT đã chi trả phần cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, FPT còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15%, tức là cổ đông nắm giữ 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới.