Ngữ liệu đề Ngữ văn ngoài SGK sẽ không dễ với cả thầy và trò lớp cuối cấp

Công văn 3935/BGDĐT yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn nhằm giúp học sinh làm quen với định hướng đề thi.

Ngày 30/07/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.

Theo hướng dẫn của Công văn 3935/BGDĐT, Bộ yêu cầu không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn nhằm giúp cho học sinh làm quen với định hướng đề thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Với hướng dẫn này, những thầy cô dạy Ngữ văn và học sinh đang học chương trình 2018 và học sinh cũng không quá bỡ ngỡ vì ngữ liệu trong đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn đã không lấy trong sách giáo khoa đã thực hiện từ 2 năm học vừa qua.

Tuy nhiên, học sinh lớp 9 và lớp 12 trong năm học 2024-2025 tới đây chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì các em là khóa đầu tiên tham gia thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Trong đó, học sinh lớp 9 sẽ có nhiều áp lực hơn khi thi tuyển 10 vì đây là kỳ thi phải cạnh tranh trực tiếp và lấy theo tỉ lệ đã được Sở Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường từ khi học sinh chưa thi.

 Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ là thách thức không nhỏ đối với học sinh cuối cấp (Ảnh: Nguyễn Thế Trung)

Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa sẽ là thách thức không nhỏ đối với học sinh cuối cấp (Ảnh: Nguyễn Thế Trung)

Thầy và trò đã quen với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong đề Ngữ văn

Nội dung Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 hướng dẫn hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn như sau: “Tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểuviết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Những chỉ đạo về hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành là sự tiếp tục công việc đổi mới về hình thức giảng dạy, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông vì năm học 2024-2025 tới đây là lộ trình cuối cùng của cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Trước đó, ngày 21/ 7/ 2022, Bộ đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo đó, Bộ đã yêu cầu: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Năm học 2024-2025 tới đây, Bộ tiếp tục yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho đề Ngữ văn sẽ không phải là vấn đề mới lạ đối với giáo viên dạy Ngữ văn và học sinh đang học chương trình 2018 mà đã có sự chuẩn bị, làm quen từ 2 năm học trước.

Thế nhưng, có một điểm khác cơ bản là 2 năm qua, học sinh mới chỉ dừng lại ở đề kiểm tra định kỳ- đề chủ yếu là trường ra nên học sinh đã được thầy cô giới hạn một số tác phẩm cụ thể. Năm học 2024-2025 tới đây, ngoài những đề kiểm tra định kỳ, học sinh lớp 9 và lớp 12 sẽ phải đối mặt với một số kỳ thi quan trọng.

Đối với học sinh lớp 9, một số em thi học sinh giỏi văn hóa thì đề thi sẽ do Phòng, Sở ra đề. Thi tuyển sinh 10 thì Sở ra đề.

Học sinh lớp 12 cũng vậy, một số em thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh (Sở ra đề); thi học sinh giỏi quốc gia (Bộ ra đề) và tất cả học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì Bộ ra đề. Và tất nhiên, những ngữ liệu cho phần đọc hiểu, viết trong đề Ngữ văn mà Sở, Bộ ra sẽ hoàn toàn mới lạ.

Cho dù là cùng thể loại, cùng chủ đề nhưng nội dung, yếu tố nghệ thuật, tư tưởng mỗi văn bản văn học sẽ hoàn toàn khác nhau. Với thời gian thi 120 phút, học sinh vừa phải đọc hiểu nội dung để phân tích, cảm nhận theo yêu cầu đề là điều không dễ.

Giáo viên trung học cơ sở đang khá mông lung

Một tổ trưởng Ngữ văn cấp Trung học cơ sở chia sẻ rằng, trước đây, khi dạy chương trình 2006 thì phần nghị luận văn học trong đề thi tuyển sinh 10 nằm trong số những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, thầy và trò có “điểm đến” cố định.

Năm học tới, dạy lớp 9 chương trình 2018 và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10, chúng tôi thấy còn mông lung quá. Bởi theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH thì những tác phẩm có trong sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) đều không thể lấy làm ngữ liệu cho đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn.

Trong khi đó, địa phương chúng tôi đang dạy sách Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) thấy có những thể loại như: Truyện truyền kì; truyện trinh thám; thơ song thất lục bát, truyện thơ Nôm, thơ 8 chữ; bi kịch; văn bản nghị luận xã hội, nghị luận văn học; văn bản thông tin.

Chẳng hạn, thể loại “truyện truyền kỳ” ở lớp 9, học sinh sẽ học văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Về nguyên tắc, văn bản này không được ra trong đề kiểm tra, đề thi. Nếu Sở lấy 1 văn bản khác trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục- cùng thể loại- cùng tác phẩm- cùng tác giả thì học sinh có cảm nổi không?

Hoặc, ở lớp 9 học thể thơ song thất lục bát được tác giả sách giáo khoa đưa vào đoạn trích: Nỗi nhớ thương của người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải; Tì bà hành của Bạch Cư Dị (Trung Quốc) cũng là một thách thức cho học sinh.

Nếu đề kiểm tra, đề thi lấy một số đoạn trích trong những tác phẩm cùng thể loại thơ song thất lục bát, như: Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều; Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ; hoặc một số đoạn trích khác trong cùng tác phẩm đã được trích giáo khoa cũng rất khó để học sinh cảm nổi vì đây là thể loại khó, độ lùi của thời gian quá xa.

Đó là chưa kể những thể loại mới, như: truyện trinh thám; bi kịch; văn bản thông tin…nếu ra vào những thể loại này cũng sẽ là vấn đề khá nan giải cho học sinh vì lứa tuổi học sinh lớp 9 vốn kiến thức xã hội chưa nhiều.

Việc đọc sách mở rộng hiện nay của học sinh cũng khá hạn chế mà tác phẩm văn học cùng thể loại thì nhiều lắm. Trong khi đó, chuẩn bị vào năm học mới nhưng giáo viên dạy lớp 9 chưa được địa phương trang bị gì ngoài 1 ngày tập huấn sách giáo khoa online do nhà xuất bản báo cáo.

Về cơ bản, thi tuyển sinh 10 thì Bộ giao hoàn toàn cho địa phương và Sở Giáo dục chủ động nhưng hình thức, cấu trúc đề thi tuyển sinh 10 như thế nào, giáo viên vẫn chưa được định hướng, hướng dẫn cụ thể, chu đáo.

Nhiều thách thức đang đặt ra trước mắt cho giáo viên dạy Ngữ văn và học sinh cuối cấp trong năm học tới. Mục tiêu của Bộ khi kiểm tra định kỳ và thi chuyển cấp môn Ngữ văn là lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhằm “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn” nhưng nó sẽ là một thách thức cho cả thầy và trò ở các nhà trường.

Thực tế, yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm, hoặc đoạn trích văn học hoàn toàn mới lạ trong khoảng thời gian 90 hoặc 120 phút sẽ không hề đơn giản bởi học sinh học hàng chục môn, khi thi chuyển cấp, tốt nghiệp cũng có 3-4 môn thi khác nhau.

Trong khi, ngữ liệu phần viết (làm văn) hoàn toàn xa lạ. Những học sinh giỏi có thể làm được nhưng học sinh có học lực trung bình rất khó để làm rõ được nội dung, nghệ thuật, tư tưởng của một tác phẩm hoặc đoạn trích văn học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngu-lieu-de-ngu-van-ngoai-sgk-se-khong-de-voi-ca-thay-va-tro-lop-cuoi-cap-post244622.gd
Zalo