'Ngũ hổ tướng' làng vật Huế
Chuyện 5 chị em cùng tập luyện, thi đấu chung ở 1 bộ môn tưởng chừng như là điều chưa từng có của thể thao Việt Nam, nhưng lại có ở một gia đình tại huyện Quảng Điền, TP. Huế.

3 chị em Mỹ Hạnh (phải qua) góp công lớn trong thành tích vô địch toàn đoàn nội dung nữ tại Giải vô địch các CLB 2024
Lời hứa danh dự
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Thạch Bình (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) có 7 người con. Trừ con trai cả và kế út, 5 người còn lại là: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Mỹ Tiên và cậu em út Nguyễn Đăng Quốc đều đang là thành viên của tuyển vật Huế; trong đó, Mỹ Hạnh, Mỹ Trang và Mỹ Linh còn “ăn cơm” tuyển Quốc gia.
Chuyện bắt đầu từ năm 2006, thời điểm HLV trưởng bộ môn vật TP. Huế Đinh Văn Kiên đang tuyển quân ở Quảng Điền, thấy Mỹ Hạnh có thể hình phù hợp, HLV Đinh Văn Kiên “khích” Mỹ Hạnh vào đấu tập với một số bạn khác. Tò mò, Mỹ Hạnh đồng ý ngay. Vào sới, nhớ lại một số đòn, miếng được xem ở những lần diễn ra hội vật Thủ Lễ, Mỹ Hạnh lập tức áp dụng và nhanh chóng nhận được thầy tán thưởng.
Tất nhiên, để Mỹ Hạnh chính thức trở thành học trò của mình, HLV Đinh Văn Kiên phải vượt qua “cửa ải” là bố mẹ Mỹ Hạnh. Là gia đình không có truyền thống thể thao, nên khi nghe đặt vấn đề, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn không giấu được những ngại ngần, âu lo. Lo là con mình còn nhỏ, nếu theo nghiệp VĐV thì phải xa gia đình, không ai chăm sóc, ảnh hưởng việc học văn hóa. Lo là vì trong suy nghĩ của 2 vợ chồng, vật là môn thích hợp với con trai, chứ con gái… không biết có nên “cơm cháo” gì không, chưa kể lúc tập luyện, thi đấu, kiểu gì chẳng xây xát, chấn thương…
Sau nhiều lần tỉ tê và nhờ thêm sự thuyết phục của cháu trai ông Sơn (cựu VĐV tuyển vật), cùng lời hứa danh dự của một người thầy: “Anh chị cứ cho cháu theo tôi, không thành công thì cũng thành nhân”, cuối cùng HLV Đinh Văn Kiên cũng nhận được cái gật đầu của ba mẹ Mỹ Hạnh. Và chỉ sau 1 năm tập luyện dưới sự dạy dỗ, bảo bọc của thầy, Mỹ Hạnh đã chứng minh được những kỳ vọng của người thầy không hề đặt nhầm chỗ, khi có được tấm HCV đầu tiên ở giải vô địch các lứa tuổi trẻ toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa.
“Ngũ hổ tướng”
Từ tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp VĐV, thành tích của Mỹ Hạnh càng tăng dần theo thời gian một cách đáng nể. Đến nay, bên cạnh vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba sau 3 kỳ vô địch SEA Games liên tiếp, Mỹ Hạnh còn sở hữu HCĐ ASIAD, “chết tên” với danh xưng “Độc cô cầu bại” hạng 62kg khu vực Đông Nam Á cùng hàng chục lần vô địch Quốc gia và các giải đấu lớn khác. Có thể nói, trong bộ sưu tập huy chương của mình, Mỹ Hạnh chỉ thiếu mỗi tấm huy chương ở đấu trường Olympic.
Thành công của con gái, và quan trọng hơn - như lời ông Nguyễn Văn Sơn là “nên người”, khiến vợ chồng ông Sơn không ngần ngại gật đầu khi HLV Đinh Văn Kiên tiếp tục đặt vấn đề với ông bà về việc cho Nguyễn Thị Mỹ Trang (em kế Mỹ Hạnh) theo chân cô chị vào năm 2010. Rồi tiếp đó, vào các năm: 2013, 2018, và 2024, 3 người em của Mỹ Hạnh: Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Mỹ Tiên và Nguyễn Đăng Quốc lần lượt lượt nối gót chị khoác áo tuyển vật Huế.
Trong quá trình tập luyện, thi đấu chung 1 bộ môn, dù muốn dù không, những danh hiệu Mỹ Hạnh đạt được trên các đấu trường chính là áp lực vô hình đối với 4 người em của mình. Nhưng điều này cũng chính là động lực để họ càng nỗ lực phấn đấu.
Minh chứng là ngoại trừ Đăng Quốc đang sở hữu thành tích có phần khiêm tốn là 1 HCĐ tại giải trẻ toàn quốc 2024 sau mấy tháng tập luyện, Mỹ Tiên luôn trong top đầu các giải Quốc gia thì Mỹ Trang đang đuổi sát Mỹ Hạnh với tấm HCĐ châu Á, 2 HCV SEA Games, nhiều lần vô địch Đông Nam Á. Còn Mỹ Linh bên cạnh không ít lần vô địch Đông Nam Á, nữ VĐV này cũng sở hữu 1 HCĐ châu Á cùng nhiều thành tích cao ở đấu trường Quốc gia.
“Mỹ Hạnh sở hữu lối đánh áp đảo, tấn công dồn dập, Mỹ Trang thiên về phòng ngự kín kẽ để chớp thời cơ ra đòn, trong khi Mỹ Linh lại có khả năng công - thủ toàn diện. Còn về Mỹ Tiên và Đăng Quốc đang cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, cũng như chắt lọc những tinh túy của 3 cô chị để hoàn thiện bản thân”, HLV Đinh Văn Kiên chia sẻ.
Với những thành tích ở những đấu trường lớn, có thể nói, chị em nhà Mỹ Hạnh đang là linh hồn, là nòng cốt của bộ môn vật Huế. Nhưng điều đáng mừng, vật Huế lại không quá phụ thuộc vào phong độ, thành tích của họ bởi trong tay HLV Đinh Văn Kiên vẫn còn những cái tên, như: Xuân Nhi, Thảo Nguyên, Yến Nhi, An Bình, Phước Rin… - những VĐV trẻ mà tiềm năng đã được dự báo.
Hay nói cách khác, những Mỹ Hạnh, Mỹ Trang, Mỹ Linh, Xuân Nhi, Thảo Nguyên, Yến Nhi, An Bình, Phước Rin… chính là hy vọng “vàng” của vật Huế tại SEA Games 2025, 2027 và Đại hội Thể thao toàn quốc 2026, 2030.