Ngủ gục trước cổng bệnh viện ở TP.HCM khi trời chưa sáng

Bắt chuyến xe đêm lên TP.HCM khám bệnh, nhiều người ngủ gục bên hàng rào bệnh viện trong lúc xếp hàng chờ lấy số.

 Bệnh nhân tranh thủ chợp mắt khi đến Viện Tim TP.HCM lúc sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Bệnh nhân tranh thủ chợp mắt khi đến Viện Tim TP.HCM lúc sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trái ngược với sự im ắng bên trong khuôn viên Viện Tim TP.HCM lúc 2h30 sáng, ngoài cổng, hàng trăm người dân đã xếp hàng chờ lấy số.

Hầu hết họ đến từ các tỉnh, thành khác. Tiếng nói chuyện, đi lại của người bệnh cộng với tiếng hàng quán lúc sáng sớm làm xôn xao cả một góc đường ở quận 10.

Thức xuyên đêm đi xe khách từ tỉnh lên TP.HCM, nhiều người không giấu được vẻ mệt mỏi, tranh thủ dựa vào hàng rào, cột điện để chợp mắt. Người đã có kinh nghiệm thì mang theo tấm bạt, áo mưa hay bất cứ thứ gì có thể trải ra được trên vỉa hè để ngả lưng, chờ đến 5h30 bốc số thứ tự.

Mệt nhưng không dám ngủ

Sau bữa cơm tối, ông Tô Minh Tâm (67 tuổi, ngụ Đồng Tháp) xếp theo bộ quần áo và vài món đồ cá nhân vào chiếc balo nhỏ, đặt cạnh giường rồi đi ngủ. Chợp mắt được hơn 30 phút, điện thoại reo, đầu dây là giọng anh tài xế xe khách quen thuộc giục ông ra trước cổng.

Yên vị trên xe khách lúc 23h, ông Tâm tranh thủ ngủ, chốc chốc lại giật mình khi xe đi qua đoạn đường xốc. Đúng 2h30, ông Tâm có mặt trước cổng Viện Tim TP.HCM, vội lao vào xếp hàng. Đến từ rất sớm, nhưng ông chỉ xếp ở vị trí thứ 7, có người còn đến sớm hơn, đã chờ từ 1h sáng.

 Dù mệt, ông Tâm vẫn đứng xếp hàng, không dám chợp mắt vì sợ móc túi. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Dù mệt, ông Tâm vẫn đứng xếp hàng, không dám chợp mắt vì sợ móc túi. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Tâm cho biết tình cờ phát hiện bị bệnh tim trong một lần khám tổng quát ở Đồng Tháp. Ông được bệnh viện chỉ định mổ với viện phí là 150 triệu đồng. Chưa vội đồng ý, ông Tâm muốn lên TP.HCM thăm khám cho "chắc ăn".

Tại Viện Tim, ông được bác sĩ chẩn đoán hở van tim hai lá trung bình nặng nhưng chưa cần mổ, uống thuốc trong 10 tháng, mỗi tháng tái khám một lần để theo dõi.

Cứ như vậy, người đàn ông đều đặn mỗi tháng di chuyển từ Đồng Tháp lên TP.HCM lúc sáng sớm.

Khi mới đến, lượng người xếp hàng còn ít, ông Tâm ngồi tựa vào hàng rào tranh thủ chợp mắt. Chỉ vài chục phút sau, người đến càng ngày càng đông, ông Tâm cũng tỉnh ngủ.

"Chúng tôi xếp hàng chờ bốc số khám bệnh lúc sáng sớm ở ngoài vỉa hè, không có bảo vệ hay người điều phối. Do đó, người dân rất dễ bị móc túi, chen hàng nếu ngủ quên. Tôi đi khám một mình nên phải tỉnh táo để bảo vệ tài sản cá nhân, vị trí xếp hàng", ông Tâm chia sẻ.

 Trời càng sáng, lượng người đến chờ vào khám ở Viện Tim TP.HCM càng đông. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trời càng sáng, lượng người đến chờ vào khám ở Viện Tim TP.HCM càng đông. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Ông Tâm cho biết người bệnh đa số thường tranh thủ đi xe đêm, chấp nhận vất vả hơn để đứng xếp hàng bốc số lúc sáng sớm vì muốn giảm bớt chi phí ăn ở, tranh thủ khám xong và về trong ngày.

Do không có giấy chuyển viện, mỗi lần khám, ông Tâm phải trả hơn 2 triệu đồng. Trong lần tái khám thứ 4 này, tình hình ổn định hơn, ông Tâm sẽ xin bác sĩ toa thuốc và tái khám ở bệnh viện tỉnh, đỡ công sức di chuyển và tiết kiệm hơn.

Khổ nhất là đợi lúc trời mưa

Ở một góc vỉa hè, bà Trần Thị Hảo, 63 tuổi, ngụ Cà Mau, ngồi khoanh tròn, gục đầu trên gối để chợp mắt, thỉnh thoảng co người lại vì lạnh.

Từ 18h, bà và người hàng xóm cùng bắt xe từ Cà Mau lên TP.HCM khám bệnh, đến nơi lúc 3h30 sáng. Đây là lần thứ 5 tái khám, nhưng bà Hảo vẫn chưa quen được với giấc ngủ chập chờn.

Chừng 10-15 phút sau giấc ngủ ngắn, bà Hảo vươn vai rồi đứng lên đi lại, cứ lập đi lập lại như vậy cho đến 5h30, khi cửa Viện Tim mở, bà cùng nhiều người bệnh ào vào đăng ký khám.

Theo bà Hảo, người bệnh thường đứng, ngồi, nằm ở vỉa hè phía trước cổng để chờ bốc số, không có mái che hay ghế đá. Có ngày đông, người bệnh tràn ra ngoài lòng đường xếp hàng. Khi thời tiết khô ráo thì người dân đỡ cực, nhưng có hôm trời mưa, phải chạy đi tìm chỗ trú.

 Mệt lả sau nhiều giờ trên xe khách, bà Út ngồi nghỉ trước cổng viện để chờ đến giờ bốc số. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Mệt lả sau nhiều giờ trên xe khách, bà Út ngồi nghỉ trước cổng viện để chờ đến giờ bốc số. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Xếp hàng từ lúc 3h sáng, bà Phan Thị Út (66 tuổi, ngụ An Giang) nói rằng người bệnh vất vả đến bệnh viện khi trời chưa sáng vì tâm lý sợ bóc số trễ, khám xong muộn thì phải ở lại thêm một ngày, lại thêm chi phí ăn ở, có khi đến trưa hôm sau mới về được vì không phải lúc nào cũng có chuyến xe.

"Bệnh viện cho đăng ký khám trực tuyến, nhưng chúng tôi hầu hết là người già, không rành công nghệ nên lựa chọn đến sớm cho an tâm", bà Út chia sẻ.

Bà Út cho biết ngoài đến sớm, người bệnh còn phải nhanh tay nhanh chân chạy vào lấy số khi cửa mở. Bởi khi cửa bệnh viện mở, dòng người xếp hàng sẽ như "ong vỡ tổ", tràn vào lấy số, có người đứng trước từ sớm vẫn không bốc được số nhỏ.

Nhiều người bệnh như bà Út mong muốn bệnh viện sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân lúc đợi lấy số, bố trí nơi chờ có mái che hoặc ghế ngồi.

 Người bệnh và thân nhân tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ đến giờ bóc số khám bệnh. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Người bệnh và thân nhân tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ đến giờ bóc số khám bệnh. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, trong lúc người bệnh xếp hàng chờ đợi tại Viện Tim TP.HCM, một số người đến chào bán số thứ tự khám bệnh với giá 100.000 đồng. Người bệnh phản ánh có trường hợp không khám nhưng vẫn xếp hàng chờ bóc số, sau đó bán lại vị trí đứng với giá 200.000-300.000 đồng.

Tại Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và một số bệnh viện lớn tuyến cuối ở TP.HCM như Ung bướu, Chợ Rẫy, hàng trăm bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành cũng đổ về đây khám bệnh từ khi trời chưa sáng.

Đứng đợi lấy số ở Bệnh viện Bình Dân từ 4h sáng, anh Đỗ Đức Minh (36 tuổi, ngụ Trà Vinh) cho biết khi khám, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm cần nhịn ăn.

Do đó, nếu đi xe lúc đến TP.HCM muộn hơn, vào buổi trưa, người bệnh sẽ không chịu nổi khi nhịn ăn đến chiều. Vì vậy, việc đi khám lúc sáng sớm sẽ đỡ mệt hơn.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ngu-guc-truoc-cong-benh-vien-o-tphcm-khi-troi-chua-sang-post1492152.html
Zalo