Ngư dân Quảng Ninh 'khóc ròng' sau bão dữ, nhiều tỷ phú bỗng trắng tay
Cơn cuồng phong khi bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Không ít ngư dân đang là tỷ phú bỗng chốc trắng tay, nợ nần chồng chất, không biết bấu víu vào đâu.
Từ tỷ phú thủy sản thành "tỷ phú nợ"
Dù cơn bão số 3 đã đi qua gần một tuần nhưng tàn tích của nó để lại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng còn nặng nề khủng khiếp.
Chiều 12/9, PV Báo Giao thông đến khu vực cầu cảng Cái Rồng ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Cầu cảng Cái Rồng hôm nay hiện ra trước mắt PV là cảnh xác xơ, tiêu điều. Dưới mặt nước, vài chiếc tàu vận tải "thương tích" đầy mình do va đập trong bão số 3; trên cầu cảng lác đác có vài chủ lồng bè đứng ngẩn ngơ nhìn xa xăm ra mặt biển, mắt buồn ngấn lệ…
Lại gần một thanh niên da đen sạm, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ đang ngồi ngả lưng bên tấm hộ lan ven biển. Đó là một trong những chủ nhà bè nuôi trồng thủy sản ở vùng biển xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tên Nguyễn Văn Đễ.
Anh Đễ nghẹn ngào kể, anh quê ở tỉnh Nam Định. Cách đây vài năm, anh được người quen ở huyện Vân Đồn giới thiệu ra làm nghề thu mua thủy sản. Sau thời gian làm ăn, thấy việc nuôi trồng thủy sản ở vùng này có cơ hội đổi đời, anh liền chung vốn hơn 6 tỷ với một người địa phương để làm bè nuôi cá. Ngày ngày, nhìn các lồng cá của mình phát triển tốt, anh Đễ nhẩm tính chỉ sau vài vụ ổn định là có thể làm được cho vợ, con căn nhà mới… Trước khi bão về, anh Đễ còn mua thêm một số lồng hàu trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, đang bắt đầu được thu hoạch…
"Thế rồi mọi dự định, toan tính bỗng chốc tan biến. Chỉ sau vài đợt sóng lớn, lồng bè của chúng em đã bị sóng đánh chìm. Tất cả tài sản đều bị sóng cuốn trôi. Giờ em còn khoản nợ thế chấp 2 căn nhà ở quê hơn 4 tỷ đồng. Từ lúc bão tan đến giờ, em như người mất hồn, giờ lấy đâu ra trả nợ ngân hàng hằng tháng. Mấy hôm nay vợ em ở quê gọi hỏi thăm, em không dám nói gì sợ cô ấy sốc rồi ngã bệnh lại khổ thêm", anh Đễ bật khóc.
Từ cảng Cái Rồng, PV Báo Giao thông đi xuồng ra khu vùng nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Cái Rồng và thấy được sự tàn phá của bão Yagi thật khủng khiếp. Nếu như trước đây, các nhà bè nuôi trồng thủy sản dày đặc, tàu, xuồng ra vào tấp nập thì nay, cả khu vực chỉ là những ô lồng, nhà bè bị sóng đánh biến dạng, cuộn tròn nằm dập dềnh trên sóng biển.
Ghé xuồng vào hộ anh Phạm Văn Đại ở khu vực hòn Cận Nam cách bến Cái Rồng chừng hơn một hải lý. Lúc này, trên bè khá đông người, anh Đại ngồi như "tượng gỗ" trong căn chòi bị bão đánh te tua.
Thấy khách đến, anh Đại buồn rầu: "mất hết cả rồi các bác ạ! Giờ chúng tôi chẳng còn gì ngoài khoản nợ ngân hàng đang đến kỳ phải trả thôi!".
Anh Đại kể, nhà anh ở khu 3, thị trấn Cái Rồng, làm nghề nuôi biển tại khu vực này gần 20 năm trước. Ban đầu là nuôi hàu, tu hài… vài năm trước thấy hàu, tu hài dễ bị bệnh, nên có nguy cơ mất vốn, thế là anh Đại chuyển sang đóng bè nuôi cá giò, cá hồng, cá song…
"Tích lũy bao năm, gia đình tôi cũng thuộc diện tỷ phú ở khu phố. Vụ này, tôi thả hơn 70 lồng, cá đang trưởng thành tốt thì bão dữ ập về cuốn trôi tất cả. Ước tính thiệt hại hơn 200 tấn cá các loại, tổng khoảng 15 tỷ đồng. Để có vốn vụ này, tôi đã vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng cùng vốn liếng cả nhà tích lũy được. Vậy là "tất tay", bỗng dưng bây giờ chúng tôi thành "tỷ phú nợ", anh Đại than thở.
Tiếp tục ghé xuồng vào khu lồng bè của anh Phạm Văn Thịnh cách bè của anh Đại vài phút đi xuồng. Ông Vũ Thanh Tùng, đại diện chủ bè đang cùng với một số lao động dùng dây thừng để buộc lại chiếc nhà bè duy nhất còn sót lại, buồn bã cho biết: Bão đã làm một vạn con cá song loại 4kg, 9.500 con song giống, 5 vạn con cá chim giống, 2.000 con cá hồng và 2.000 con cá rìa công trôi ra biển. Bão còn nhấn chìm một chiếc tàu xi măng, đánh tan một căn nhà 50m2 và nhấn chìm một căn nhà 30m2…
"Tính sơ sơ thiệt hại của ông chủ bè khoảng 13-14 tỷ đồng. Giờ chúng tôi đang cố vớt vát, củng cố những ô lồng, giàn gỗ bị chìm sâu trong mặt nước móng giúp ông chủ", ông Tùng nói.
Chiều muộn, khi PV cùng với mấy chủ lồng bè đi qua khu phố 9, thị trấn Cái Rồng thì thấy một đám tang.
Một chủ lồng bè cho biết, đó là đám ma của ông Q. Khi bão Yagi đổ bộ đã cuốn trôi ông Q xuống biển gây tử vong…
"Khổ thân bác Q này, lồng bè bị sóng đánh tan tác gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Còn bản thân thì không may mắn như chúng tôi…", một chủ nhà bè nuôi trồng thủy sản, thương cảm nói trong nước mắt.
Tiếng kèn đám ma đưa tiễn người xấu số vẳng đưa trong chiều tà, nắng lụi, những ánh mắt thất thần vì lo khoảng nợ ngân hàng sắp đến kỳ phải trả, nhưng không biết lấy đâu ra của những ngư dân huyện đảo Vân Đồn cứ thế ám ảnh PV trên suốt quãng đường về.
Cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân vượt qua cơn hoạn nạn
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh Thiệt, hại do bão số 3 gây ra rất lớn.
Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, có 20.245 nhà bị tốc mái, 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt, 1.273ha lúa, màu bị đổ, ngập úng, ảnh hưởng; 17.223 ha rừng trồng bị ảnh hưởng, 1.403 cột điện bị gẫy đổ, khoảng 70% cây xanh đô thị bị gẫy đổ…
Riêng về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong đó, 1.872 cơ sở nuôi biển, 23 cơ sở nuôi tôm, 507 cơ sở nuôi trồng thủy sản nước ngọt…
Chỉ riêng đối với địa bàn huyện Vân Đồn, theo thống kê của chính quyền địa phương, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Tính đến chiều tối 12/9, địa phương này có tổng sản lượng thủy sản đã đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng 32.112 tấn, hơn 2.000 ha hàu và 3.500 ô lồng nuôi cá mới thả giống. Tổng thiệt hại khoảng gần 2.300 tỷ đồng…
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo xã Bản Sen, huyện Vân Đồn cho biết, xã có hơn 200 hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn, ước số tiền khoảng 50-60 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều hộ đang nợ ngân hàng, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì khó có thể gượng dậy được…
Còn một lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn thì cho biết, địa phương đang nghiên cứu kiến nghị với cấp có thẩm quyền ra những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Trọng tâm là đề nghị các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân; hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển của các hợp tác xã…".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Thanh Nghị, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, thiệt hại gây ra cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quá lớn, nhiều hộ trắng tay, nợ nần chồng chất…
"Hiện nay, Sở đang tiếp tục phối hợp với địa phương để rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại của từng hộ, từng địa phương. Mặt khác, sở cũng đang xây dựng phương án hỗ trợ những hộ bị thiệt hại để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Hướng tháo gỡ mà Sở đang nghiên cứu là tìm giải pháp giãn, hoãn nợ ngân hàng cho người dân, đồng thời đề nghị vẫn tiếp tục cho bà con vay thêm vốn để khôi phục sản xuất… Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ phải phù hợp với các quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn ở từng hộ… Bởi thời gian gần đây, nhiều hộ mua con giống, vật tự, nhà bè đều không có hóa đơn, chứng từ… Vì thế, việc xem xét hỗ trợ sẽ gặp nhiều khó khăn đối với cơ quan chức năng", ông Nghị thông tin.