Ngư dân 'mắc cạn' - Bài 1: Bến bồi, lạch lấp

LTS: Cảng, bến cá, luồng lạch, khu neo đậu tàu thuyền ở cửa biển bị bồi lấp nghiêm trọng. Trên bờ, các công trình 'bệ đỡ hậu cần' chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi lao động nghề biển đang già hóa, người trẻ ngày càng thiếu vắng. Thực trạng 'mắc cạn' từ biển vào bờ đang diễn ra trên khắp dải biển miền Trung, khiến việc vươn khơi của bà con ngư dân đã khó lại càng thêm khó.

Nhiều cảng, bến cá, luồng lạch, khu neo đậu tàu thuyền ở các cửa biển miền Trung đang dần thu hẹp do bị bồi lấp nghiêm trọng, không chỉ khiến việc ra vào của tàu cá bị ách tắc mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như công tác trú tránh bão. Dù ngư dân và địa phương “kêu cứu” nhiều lần, song tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.

Tắc...

Có mặt tại xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi ghi nhận lạch biển Cửa Khẩu rộng hàng chục hécta đã bị bồi lấp. Trên lạch có hơn 100 tàu thuyền các loại của ngư dân trong và ngoài địa phương đang bị mắc cạn, nằm phơi mình chờ thủy triều lên để ra khơi.

 Cửa biển Roòn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị bồi lấp nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho ngư dân thời gian dài. Ảnh: NGỌC OAI

Cửa biển Roòn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị bồi lấp nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho ngư dân thời gian dài. Ảnh: NGỌC OAI

Đứng nhìn tàu HT20822TS công suất gần 90CV của mình đang nằm mắc cạn, ngư dân Đặng Văn Luận (46 tuổi, ngụ thôn Tiến Thắng) ngán ngẩm cho biết, do lạch biển Cửa Khẩu nằm giáp với cửa sông nên tình trạng đất, cát tràn về bồi lấp nghiêm trọng từ gần 10 năm nay. Khi thủy triều xuống, hầu hết tàu thuyền không thể ra vào. Mỗi khi đánh bắt hải sản trở về, tàu thuyền phải neo đậu ngoài khơi cách lạch 2-3km, sau đó thuê thuyền nhỏ tăng bo hải sản vào bờ, mỗi chuyến mất thêm từ 200.000 - 500.000 đồng. Việc này không chỉ làm tăng chi phí mà còn tốn thời gian, bị động chuyến biển, ảnh hưởng chất lượng hải sản và thu nhập của ngư dân.

Theo ngư dân Đặng Văn Luận, do tàu không vào được trong lạch, phải neo đậu ngoài khơi nên gặp rủi ro cao. Gần đây nhất, tháng 6 và tháng 7-2024, có 2 tàu cá của ngư dân trong xã bị sóng đánh chìm, thiệt hại tài sản rất lớn. Ngoài ra, nhiều tàu thuyền bị va đập vào đụn cát hư hỏng làm tốn thêm chi phí sửa chữa. “Làm nghề biển vốn vất vả, nay luồng lạch bồi lấp càng khiến ngư dân thêm khốn khổ, thiệt hại đủ đường. Nhiều hôm đánh bắt hải sản về chúng tôi phải cho tàu chạy thêm hàng chục kilômét để cập bờ các địa phương lân cận ở Hà Tĩnh hoặc tận Quảng Bình. Việc này tốn kém chi phí xăng dầu nhưng bù lại hải sản tươi, tiêu thụ nhanh và an toàn cho tàu, nhất là chủ động thời gian, không phải nghỉ hoặc chậm chuyến biển”, ngư dân Đặng Văn Luận chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, địa phương có 3 cửa biển đang bồi lấp nặng là Cửa Đại, cửa Mỹ Á và cửa Sa Cần. Riêng cửa biển Cửa Đại và sông Phú Thọ (đoạn từ thôn Tân Thạnh đến thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi), Sở NN-PTNT tỉnh đã có báo cáo UBND tỉnh, đề nghị xem xét bố trí 14,5 tỷ đồng để nạo vét, khơi thông luồng lạch và cửa biển. Đối với cửa biển Mỹ Á, trước mắt cần kinh phí 3 tỷ đồng để nạo vét, khơi thông. UBND tỉnh cũng đã thống nhất sẽ nạo vét thông luồng tàu và đầu tư xây dựng thêm cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão tại cửa biển Sa Cần. Trước mắt, UBND huyện Bình Sơn đã có tờ trình xin tỉnh hỗ trợ kinh phí nạo vét, thông luồng tại cửa biển Sa Cần, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 7,5 tỷ đồng.

Cửa biển Roòn (giáp ranh xã Quảng Phú và xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng đang bị bóp nghẹt bởi tình trạng bồi lấp. Nhìn từ trên cao, cửa biển giờ chỉ là một vũng bùn cát trải rộng, chắn ngang cửa thoát. Theo ngư dân, trước đó chính quyền địa phương đã triển khai dự án nạo vét cửa biển từ phía bờ Nam thuộc xã Cảnh Dương, nhưng như muối bỏ biển, vẫn chẳng thể khơi thông được luồng lạch. Gặp chúng tôi, ngư dân Nguyễn Thống (ngụ xã Quảng Phú) bày tỏ: “Cửa biển Roòn bị bồi lấp lâu nay khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đa số tàu cá của 2 xã Quảng Phú, Cảnh Dương đều phải vào cửa sông Gianh để neo đậu bán hải sản và tránh trú mưa bão”.

Ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, nhiều cảng biển, cửa biển như Cửa Đại (Cổ Lũy), Mỹ Á, Sa Cần (tỉnh Quảng Ngãi) hay Tam Quan, An Dũ (tỉnh Bình Định) cũng đang bị bồi lấp gây ra rất nhiều khó khăn cho ngư dân. Tại cửa biển An Dũ, chúng tôi tìm gặp lão ngư Nguyễn Duy Tân (70 tuổi) và được ông chia sẻ: “Cửa biển An Dũ bồi lấp từ lâu nhưng trước đây đội tàu cá phường Hoài Hương ít nên không cấp thiết. Nhưng nay đã tăng lên gần 600 tàu, lớn nhất nhì thị xã nên trở thành cấp thiết.

Ngư dân mong mỏi cửa biển được nạo vét để tàu thuận lợi ra vào. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị hơn 15 năm nay mà chưa được quan tâm. Thời gian qua rất nhiều đoàn công tác về khảo sát nhưng đến nay vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Giờ có cửa biển cũng như không, đội tàu cá Hoài Hương và hàng trăm tàu cá khác trong vùng phải qua cửa Tam Quan cách xa 5-6 hải lý để neo đậu, vào mùa mưa bão rất bất tiện. Chưa kể, cửa neo đậu Tam Quan giờ cũng ùn tắc, bồi lấp”.

Tại cảng cá Tam Quan, một lãnh đạo Ban Quản lý cảng cá và dịch vụ đô thị Tam Quan thông tin, so về quy mô cấp huyện và thị xã, cảng Tam Quan lớn nhất cả nước với đội tàu cá xa bờ lên đến 2.114 tàu trên 15m và 480 tàu dưới 15m. Ngoài ra, đây cũng là “thủ phủ” khai thác cá ngừ xuất khẩu lớn nhất cả nước với 1.500 tàu câu cá ngừ, sản lượng gần 10.000 tấn/năm. Quy mô bề thế như vậy nhưng nhìn thực trạng cửa biển Tam Quan không khỏi chạnh lòng, bởi cửa biển giờ như chiếc cổ cò chật hẹp. Từ trong cảng cá, nhiều tàu muốn ra khơi phải cần một tàu nhỏ khác lai dắt, dẫn đường mới ra được khỏi cửa biển.

Đứng trong cảng cá, ngư dân Nguyễn Lòng, chủ tàu cá BĐ 96662 TS (ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) than: “Lâu nay việc ra vào cửa biển khiến ngư dân rất khổ sở. Mùa biển lặng còn đỡ, chứ mùa mưa gió nhiều tàu liên tục bị lật, tai nạn tổn thất nặng nề. Đến mùa mưa gió, nhiều tàu không dám về cảng cá Tam Quan để tránh trú mà đa số vào cảng Quy Nhơn hoặc cảng Nha Trang, sau đó đón xe đò về nhà, rất cực khổ. Ở đây, đội tàu cá rất lớn, đa số ngư dân đều mong nhà nước sớm quan tâm khơi thông cửa biển, gỡ khó cho người dân”.

Và chờ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Công Thoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), thông tin, toàn xã có trên 250 tàu thuyền các loại. Trước đây, luồng lạch biển Cửa Khẩu rộng 2km khi thủy triều lên nhưng nay bị bồi lấp chỉ còn chưa đầy 1km. Luồng lạch quá cạn khiến tàu thuyền của ngư dân ra vào phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, chưa kể thường xuyên gặp sự cố gây hư hỏng. Chính quyền địa phương cùng ngư dân đã nhiều lần kiến nghị tỉnh và Trung ương sớm nạo vét luồng lạch nhưng chưa có kết quả.

 Cửa biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) quá tải, ách tắc trong khi đội tàu cá địa phương rất lớn. Ảnh: NGỌC OAI

Cửa biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) quá tải, ách tắc trong khi đội tàu cá địa phương rất lớn. Ảnh: NGỌC OAI

Theo ông Phan Công Thoàn, khoảng năm 2017 từng có chủ trương lập dự án xây dựng cảng cá, nạo vét luồng lạch từ Cửa Khẩu sang tới xã Kỳ Hà, kinh phí gần 700 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa thấy triển khai. “Giờ nếu có dự án nạo vét nhỏ lẻ cũng không mang lại hiệu quả, bởi khi nạo vét xong các đợt mưa bão sau đó sẽ làm đất cát tiếp tục tràn xuống, tái bồi lấp luồng lạch. Vì vậy, phải chờ các dự án lớn, quy mô để kết hợp nạo vét với xây dựng đồng bộ hệ thống đê kè chắn sóng biển, ngăn đất cát chảy xuống, lúc đó mới giải quyết cơ bản tình trạng bồi lấp. Tuy nhiên, không biết tới khi nào mới có dự án như thế”, ông Phan Công Thoàn chia sẻ.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, cửa biển An Dũ vốn là nơi có lưu lượng tàu thuyền, hoạt động nghề cá sầm uất giai đoạn trước năm 2000. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cửa biển này bị bồi lấp hoàn toàn khiến nhiều người dân địa phương mất việc làm, nhiều cơ sở thương nghiệp, dịch vụ thủy sản ở cửa biển đóng cửa. Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bình Định đã thuê một đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá tình trạng sạt lở, bồi lấp cửa An Dũ để đưa ra giải pháp xử lý triệt để, ổn định lâu dài.

Đến năm 2021, Sở NN-PTNT tỉnh đã có báo cáo cấp trên về hiện trạng, đánh giá các giải pháp để hồi sinh lại cửa biển An Dũ. Mới đây, ngày 3-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch cảng cá Hoài Hương vào cảng cá loại III, kết hợp khu neo đậu tránh trú bão.

DƯƠNG QUANG - NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-mac-can-bai-1-ben-boi-lach-lap-post770168.html
Zalo