Ngư dân hăng hái ra khơi
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hàng trăm tàu cá của ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh đang hăng hái ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân kỳ vọng vào vụ cá nam năm nay sẽ bội thu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Kỳ vọng vụ cá nam
Những ngày qua, tại các cảng cá trong tỉnh, không khí trở nên nhộn nhịp khi có hàng trăm tàu cá ra vào cảng để bốc dỡ hải sản, tiếp nhiên liệu, đá lạnh, các nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi. Đây là thời điểm khai thác chính của vụ cá nam (bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối tháng 9 hằng năm). Tại cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), ngư dân Huỳnh Tấn Phong, ở xã Phổ Châu đang cùng bạn thuyền khẩn trương vận chuyển đá lạnh, lương thực, thực phẩm lên tàu để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại ngư trường Hoàng Sa. Ông Phong cho biết, chuẩn bị cho vụ cá nam, tôi đã nâng cấp, sửa chữa ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại như máy dò cá, máy định vị. Hiện tại thời tiết đang thuận lợi nên tàu cá của tôi cũng như các tàu cá của ngư dân tại địa phương đang tập trung vươn khơi, bám biển đánh bắt.

Ngư dân bán hải sản tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) . Ảnh: HỒNG HOA
Còn tại cảng cá Tịnh Kỳ, tàu cá QNg 92698TS của ngư dân Đặng Văn Sen, ở xã An Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng tranh thủ rời cảng để đi hành nghề lưới rê ở ngư trường Hoàng Sa. “Những phiên biển đầu năm tàu tôi đánh bắt không mấy hiệu quả. Vụ cá nam là vụ đánh bắt chính trong năm. Mùa này cá, mực thường xuất hiện nhiều nên kỳ vọng chuyến biển này sẽ thu được sản lượng lớn, bán được giá cao, giúp anh em bạn tàu có nguồn thu nhập khá”, ngư dân Sen chia sẻ.
Trên các triền đà, các chủ tàu cũng tranh thủ sửa chữa, nâng cấp những con tàu bị hư hỏng để hạ thủy vươn khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Quang, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) chia sẻ, sau 20 ngày đưa tàu lên triền đà làm nước, sửa chữa, nay tôi đưa tàu đi đánh bắt hải sản. Đây là thời điểm đánh bắt chính của năm nên mình phải tranh thủ cho tàu vươn khơi.
Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Tịnh Kỳ Bùi Văn Khôi cho biết, mỗi ngày cảng cá Tịnh Kỳ tiếp nhận hàng chục tàu cá cập cảng bốc dỡ hải sản; bốc xếp đá lạnh, nhiên liệu, ngư lưới cụ. Để hỗ trợ ngư dân, cảng cá đã duy trì lực lượng túc trực thường xuyên để sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra, vào cảng và bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển để bốc dỡ hải sản thuận lợi. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và Luật Thủy sản năm 2017.
Đồng hành cùngngư dân
Toàn huyện Bình Sơn có trên 1.740 tàu cá các loại, trong đó, có hơn 600 tàu có chiều dài từ 15m trở lên chuyên hoạt động ở vùng biển xa. Thời điểm này, hầu hết tàu cá công suất lớn trên địa bàn huyện đã vươn khơi tới các ngư trường truyền thống. Các tàu thuyền nhỏ cũng hoạt động nhộn nhịp ở vùng lộng và ven bờ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các địa phương ven biển củng cố tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, khuyến khích ngư dân bảo dưỡng tàu thuyền, nâng cấp máy móc, bổ sung ngư lưới cụ và máy dò cá. Đặc biệt, yêu cầu ngư dân ký cam kết về chống khai thác IUU, đảm bảo tuân thủ quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác, không vượt ranh giới biển và ra, vào cảng cá chỉ định.
Toàn tỉnh có gần 4.950 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 3.029 tàu cá có chiều dài 15m trở lên chuyên hoạt động ở vùng biển xa. Tính đến cuối tháng 4/2025, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 97,2 nghìn tấn, tăng 1,04% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt hơn 94,7 nghìn tấn, tăng 1,2%; sản lượng nuôi trồng đạt 2.447 tấn.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh tích cực hỗ trợ ngư dân đăng ký, đăng kiểm, cấp phép tàu cá cũng như gia hạn lại các loại giấy tờ, đảm bảo đủ điều kiện vươn khơi. Các chủ tàu, thuyền trưởng được hướng dẫn sử dụng hiệu quả thông tin dự báo thời tiết, ngư trường, các thiết bị hàng hải hiện đại để giảm thiểu chi phí trong hành trình tìm ngư trường, tăng hiệu quả khai thác. Khuyến khích các hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển như thu mua hải sản, cung cấp nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để giảm chi phí nhiên liệu cho tàu cá khi phải về cảng bốc dỡ sản phẩm. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn tỉnh cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất, khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm; đặc biệt là chỉ thu mua, bốc dỡ sản phẩm thủy sản tại các cảng cá đúng quy định nhằm góp phần chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, tỉnh đang từng bước cơ cấu lại nghề cá, giảm các tàu cá hoạt động các ngành nghề không thân thiện với môi trường, tăng cường các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, chú trọng chính sách nuôi trồng thủy sản và thực hiện các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế mới cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành thủy sản bền vững.