Ngư dân gặp khó với việc khai thác cá ngừ theo kích cỡ quy định
Dù đang vào cao điểm vụ khai thác cá ngừ năm 2024, song hàng chục tàu cá của ngư dân Bình Định xếp hàng dài neo đậu ở cảng, không ra khơi vì chỉ được bán cá dài trên 50cm.
Ngư dân "thấp thỏm"
Những ngày qua, ghi nhận ở cảng cá Quy Nhơn (Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hàng trăm tàu cá khai thác cá ngừ của ngư dân Bình Định xếp hàng neo ở tại cảng. Trong khi đó, từ tháng 7 đến tháng 11 là thời gian cao điểm khai thác cá ngừ vằn của Việt Nam.
Như nhiều năm trước, vào thời điểm này cảng cá Quy Nhơn nhộn nhịp, ghe tàu ra vào liên tục bốc tổn ra khơi, năm nay chỉ có những tàu lưới mành, một số ít tàu câu cá ngừ đại dương làm lệnh xuất bến. Hầu hết, tàu lưới vây khai thác cá ngừ các loại đều im lìm dưới bến.
Trò chuyện với PV, ngư dân Trần Văn Nhỏ - thuyền trưởng tàu BĐ-98688 TS (trú tại xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), nói: " Chúng tôi đang làm ngoài biển (khai thác –PV) ngoài biển thì nghe tin của nậu (chủ thương lái thu mua) trong bờ gọi vào để bán cá, chứ sau 15/9 cá ngừ vằn không đủ kích cỡ theo quy định thì không được mua. Nghe vậy, chúng tôi phải quay đầu liền. 12/9 chúng tôi cập cảng Quy Nhơn bán cá. Một chuyến biển chừng 45 ngày, nhưng mới có 20 ngày là phải vào bờ rồi, vào sớm hơn nên chuyến này thuyền của tôi chỉ có 12 tấn cá, trong đó chỉ có 5 tấn đủ kích cỡ theo quy định".
Ông Nhỏ tâm tình, đang là thời điểm vụ đánh bắt cá ngừ vằn mà giờ áp dụng quy định này, ngư dân chưa biết tính toán làm sao. Cá ngừ sọc vằn, cá ngừ dưa gang tối thiểu dài 50cm (tương đương hơn 2kg trở lên là rất ít).
"Không biết khi nào đi lại, vì quy định thế này nếu đi mà khai thác không đạt kích thước thì chủ nậu không mua; tiền đâu mà trả cho bạn thuyền, phí tổn…", ông Nhỏ bỏ lửng câu nói.
Tương tự, ngư dân Lý Hoài Thư – chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ-97452 TS (Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), chia sẻ: "Giờ ngư dân chúng tôi cũng rất lúng túng, chưa biết tính toán như thế nào. Đi khai thác cá không đủ kích cỡ tối thiểu thì chủ nậu không mua, không đi thì bạn thuyền bỏ nghề hết.
Chúng tôi hiểu việc áp dụng quy định khai thác cá đúng kích cỡ để tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng với cá ngừ vằn - kích cỡ dài tối thiếu 50cm tương đương với con cá ngừ từ 2kg trở lên ở ngư trường nước ta không còn nhiều. Đi thì lỗ tổn nếu không đủ sản lượng, không đi thì sợ mất nghề biển".
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Minh Thẩm – thuyền trưởng tàu cá BĐ-93958 TS (Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), nói: "Cá ngừ vằn chiếm sản lượng lớn trong các chuyển biển của ngư dân chúng tôi. Trong một mẻ cá, số lượng cá ngừ vằn tối thiểu 50cm trở lên chỉ chiếm 10% đổ lại, còn lại chủ yếu từ 38 – 40cm… Quy định này đang cũng làm khó nhiều ngư dân".
Trước quy định về áp dụng khai thác ngừ theo kích cỡ số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác, đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên”, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.
Chờ những thay đổi phù hợp
Theo ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cảng cá Quy Nhơn (Ban Quản lý cảng cá Bình Định), cho hay, thông thường sau con trăng (sau ngày 15 AL hàng tháng) này, hàng trăm tàu cá của ngư dân theo nghề lưới vây cá ngừ sẽ ra khơi.
"Ngư dân khai thác không đúng kích cỡ rất khó bán, vì doanh nghiệp không mua nguyên liệu. Bởi, cảng cá sẽ không cấp chứng nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn nếu kích cỡ nhỏ theo quy định của Nghị định 37. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày phải có vài chục tàu khai thác cá ngừ xuất bến nhưng nay chỉ có một đến hai tàu ra khơi", ông Dũng thông tin thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh hiện có 6.242 tàu cá được đăng ký với hơn 40.000 lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản, trong đó nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ có khoảng 650 tàu cá với hơn 7.500 lao động trực tiếp tham gia khai thác cá ngừ.
Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh hàng hàng năm đạt trên 270.000 tấn/năm, trong đó sản lượng cá ngừ các loại đạt trên 55.000 tấn cá ngừ/năm (bao gồm: cá ngừ đại dương khoảng 12.000 tấn/năm, còn lại chủ yếu là cá ngừ vằn và một số ít loài cá ngừ khác).
Trong tổng số cá ngừ vằn khai thác hàng năm thì loại có chiều dài từ 50 cm trở lên chỉ chiếm khoảng từ 10-15%, còn lại chủ yếu là loại có chiều dài từ 30 cm đến dưới 40 cm
Hiện qua thống kê có nhiều tàu cá khai thác ngừ chưa vươn khơi, điều này đồng nghĩa với nhiều lao động không có việc làm, không có thu nhập nếu tình trạng này kéo dài.
Nói về khó khăn của doanh nghiệp, theo đại diện Công ty CP Thủy sản Bình Định, cá ngừ khoảng 50cm chiếm tỉ lệ rất ít. Do vậy, sau khi Nghị định 37 được ban hành, doanh nghiệp chế biến khẩu cá ngừ ở Bình Định đang rất lúng túng. Nếu mua không đủ tiêu chuẩn thì không được cấp giấy S/C, nếu không mua thì không có nguyên liệu sản xuất, không có đơn hàng thì công nhân gặp khó, thị trường sẽ bị thu hẹp…
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Vân Hà – chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, cá ngừ vằn là loài chiếm 85% sản lượng khai thác cá ngừ của ngư dân Việt Nam. Đây cũng là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm chế biến và đóng hộp Việt Nam xuất khẩu.
Tuy nhiên, với quy định kích cỡ tối thiểu của cá ngừ đang làm khó cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với nguy cơ mất thị trường lớn như EU do không thể tích trữ cá ngừ vằn chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm để cung ứng cho thị trường châu Âu vào đầu năm 2025.
Chuyên gia của VASEP dẫn thêm, cá ngừ là loài di cư, trong khi Việt Nam áp dụng quy định này trong khi các nước lân cận vẫn được khai thác bình thường. Thêm vào đó, Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) và cả các tổ chức quản lý nghề cá khu vực khác đều không quy định kích cỡ được phép khai thác đối với cá ngừ vằn, chỉ quản lý theo hạn ngạch khai thác.
Ngay với các nước EU họ vẫn khai thác cá ngừ vằn dưới 1kg, và áp dụng biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp như cấp hạn ngạch; thời gian cấm biển, cấm nghề khai thác…
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, ngày 18/9, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis) và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP.
Thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, ngày 04/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; tại Phụ lục V quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó quy định cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis) có chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 50cm; hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã dừng thu mua đối với cá ngừ vằn có chiều dài dưới 50cm.
Vì vậy số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên. Hiện tại, nhiều ngư dân đã có kiến nghị nhà nước xem xét về quy định này.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định kính đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, căn cứ đặc điểm sinh học của loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác để rà soát, xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác loài cá ngừ vằn và các loài thủy sản khác sống trong vùng nước tự nhiên theo quy định của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ.