Ngư dân gặp khó, doanh nghiệp thiếu đơn hàng tết

Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ý sau khi đạt mức cao nhất gần 6 triệu USD vào tháng 6.2024, đã chững lại và liên tục sụt giảm trong 5 tháng cuối năm.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 7.1 cho biết tính lũy kế đến ngày 15.12.2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 18% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 30 triệu USD. Với sự sụt giảm này, Ý không còn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Xu hướng tiêu thụ cá ngừ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và đóng hộp - Ảnh: IT

Xu hướng tiêu thụ cá ngừ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và đóng hộp - Ảnh: IT

Theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ý từ tháng 6 trở lại đây sụt giảm liên tục theo từng tháng. Kim ngạch xuất khẩu từ mức 6 triệu USD trong tháng 6 đã giảm xuống hơn hơn 281.000 USD vào tháng 11.2024, và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện Ý đang giảm nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 giảm mạnh nhất, 50% so với cùng kỳ. Còn các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giảm 16%.

Theo các doanh nghiệp, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo cơ hội cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ý. Được hưởng lợi từ hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế khi được giảm thuế quan và mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh cùng với sự tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu là những yếu tố quan trọng củng cố vai trò và vị thế của Việt Nam tại thị trường Ý.

Tuy nhiên, Nghị định số 37/2024 có hiệu lực từ ngày 19.5.2024 đã khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước bị thiếu hụt ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường.

Hơn thế nữa, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa đến Tết Ất Tỵ 2025 nhưng theo thông tin từ các chi cục thủy sản, nhiều tàu cá khai thác cá ngừ vằn tại các tỉnh trọng điểm vẫn nằm bờ chưa biết ngày vươn khơi.

Theo phản ánh của các ngư dân, nếu như trước đây chủ vựa mua cá ngừ vằn là 30.000 đồng/kg thì hiện chỉ mua với giá 17.000 - 19.000 đồng/kg. Với mức giá mua này nếu không lỗ tiền dầu thì cũng lỗ tiền công, nên các chủ tàu quyết định cho tàu nằm bờ.

Theo quy định tại Nghị định số 37/2024, cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 50cm, mà lượng cá khai thác của ngư dân chủ yếu là các loại cá ngừ dưới 2kg/con và kích thước từ 30cm trở lại, trong khi đó sản lượng cá có thể đáp ứng kích thước tối thiểu như nghị định 37 chỉ chiếm khoảng 10% dẫn đến việc cá đánh bắt về không đạt chuẩn nên doanh nghiệp không thu mua.

Tình trạng này đang khiến cho các ngư dân gặp khó khăn, đồng thời cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được hưởng ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA. Các doanh nghiệp dự kiến là xuất khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không chỉ sang Ý mà sang các thị trường khác trong những tháng đầu năm 2025 sẽ khó có thể giữ được mức tăng trưởng.

Cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài thị trường chính là Ý, các thị trường truyền thống như Mỹ và EU tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong khi một số thị trường mới nổi cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, có tính cạnh tranh cao tại các quốc gia như Đức, Hà Lan.

Xu hướng tiêu thụ cá ngừ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm chế biến và đóng hộp. Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Sản phẩm chế biến sẵn của Việt Nam được đánh giá cao nhờ chất lượng đảm bảo và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

Trước sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng toàn cầu, các sản phẩm cá ngừ chế biến, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, ngày càng được ưa chuộng nhờ tính tiện lợi, bảo quản lâu và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Hướng đi mới tập trung vào cá ngừ chế biến và đóng hộp đã trở thành động lực quan trọng giúp ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.

Theo các doanh nghiệp, sự tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ nhu cầu cao đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp. Đây cũng là hai mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ngu-dan-gap-kho-doanh-nghiep-thieu-don-hang-tet-227997.html
Zalo