Ngọt ngào hương vị mứt tết
Trong văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền dân tộc, mứt tết không chỉ là món ăn mà ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã còn là mong muốn một năm mới mọi điều viên mãn và may mắn.
Hiện nay trên thị trường các loại bánh kẹo được sản xuất theo quy trình công nghiệp với mẫu mã đa dạng, bắt mắt được bày bán sớm ở khắp các chợ từ nông thôn đến thành thị. Tuy nhiên đã thành thông lệ, cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán hằng năm, những lò làm mứt tết lại tất bật sản xuất để cho ra lò những sản phẩm mứt tết truyền thống phục vụ người dân đón Tết cổ truyền.
Tận dụng nguyên liệu sẵn có, qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đã làm nên những món mứt dân dã với hương vị ngọt ngào và không thể thiếu ở mỗi gia đình trong những ngày Tết cổ truyền, bởi đó được xem là tinh hoa của tết. Mứt tết không khó làm, chỉ cần khéo léo, tỉ mỉ ở mỗi khâu. Tùy vào nguyên liệu, khẩu vị, sở thích của từng người, từng gia đình mà công thức tẩm ướp, chế biến mứt tết có khác nhau.
Tận dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, nhiều gia đình ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tạo nên sản phẩm mứt dừa “nhà làm” để phục vụ tết. Năm 2019, chị Đặng Thị Lắm đã bắt tay vào làm các sản phẩm từ nguyên liệu của trái dừa, đầu tiên là làm mứt dừa.
Theo chị Lắm, tất cả công đoạn làm các loại mứt tết như mứt dừa, mứt chuối, mứt dẻo làm từ đu đủ… đều làm thủ công nên số lượng sản phẩm làm ra không nhiều. Trong đó, mứt dừa làm khá đơn giản, nhưng đây là sản phẩm khó cạnh tranh vì trên thị trường mặt hàng này phong phú và đa dạng.
Vì vậy, để sản phẩm mứt dừa làm ra được thị trường đón nhận, chị Lắm luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, sản phẩm phải vừa ngon vừa sạch mới có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài mứt dừa truyền thống, để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Lắm còn làm mứt dừa non, mứt dừa dẻo. Năm nay, giá dừa trái tăng cao nên mứt dừa làm ra, giá có thể tăng gấp đôi so với năm trước.
Đến với ấp Tân Hưng Phú, xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và năm nay cũng thế, gia đình cô Nguyễn Thị Đậu lại tất bật làm mứt khóm truyền thống. Công việc này không chỉ giúp gia đình cô có thêm thu nhập, mà còn góp phần giữ gìn hương vị Tết cổ truyền dân tộc. Việc làm mứt tết của gia đình cô Đậu khởi động từ rất sớm.
Cô Đậu cho biết: “Ngày thường ai đặt mứt khóm thì tôi đều làm, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, tôi làm nhiều hơn, mỗi ngày làm vài chục kg. Nhờ làm mứt khóm từ nhiều năm qua, mà tôi có thêm thu nhập lo cho gia đình”.
Cô Đậu gắn bó với nghề làm mứt khóm truyền thống đã hơn 10 năm. Các công đoạn làm mứt khóm đều thủ công. Cô Đậu cho biết thêm, mứt khóm nhà cô làm bán giống như làm cho chính mình ăn, nên không sử dụng chất bảo quản, không phẩm màu, do đó người ăn cũng yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một mẻ mứt khóm làm ra (tương đương 10 kg) thì sẽ sử dụng 15 kg khóm tươi. Khóm tươi sau khi gọt vỏ, cắt nhỏ, trộn với 3 kg đường cát trắng, bắt lên bếp sên cho đến khi nào mứt đặc quánh lại, chuyển sang màu vàng cánh gián thì cho ra khuôn, áo bên ngoài gần 2 kg đậu phộng và 500 gram mè, vỏ tắc, gừng thì sẽ cho ra sản phẩm mứt khóm.
Khéo tay hay làm, những người phụ nữ thôn quê như cô Đậu, chị Lắm… đã góp thêm hương vị ngọt ngào của mứt tết cho nhiều gia đình trong những ngày Tết cổ truyền. Và còn đó nhiều người luôn tìm cách giữ lửa, giữ hương vị tết với các loại mứt truyền thống.