Ngọt ngào giai điệu quê hương

Tại TPHCM, những ngày này, Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương đang diễn ra nhộn nhịp như ngày hội với sự tham gia của 21 đơn vị văn hóa quận, huyện và TP Thủ Đức. Các ê kíp diễn viên không chuyên nỗ lực thi diễn, quảng bá những nét đẹp độc đáo của văn hóa dân gian - dân tộc ba miền.

Đậm đà bản sắc dân gian - dân tộc

Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương lần thứ 19 năm 2024 do Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức, diễn ra từ ngày 7 đến 10-10 tại rạp Hồng Liên (quận 6) và Nhà hát Bến Thành (quận 1), thu hút hơn 500 diễn viên tham gia thi diễn hơn 100 tiết mục ca múa nhạc đa sắc màu.

 Chương trình “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời” của Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao quận Tân Phú

Chương trình “Đất Việt tiếng vọng ngàn đời” của Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao quận Tân Phú

Liên hoan được tổ chức với mong muốn góp phần bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc truyền thống. Cũng vì vậy, các tiết mục tham gia liên hoan, dù là ca múa, hoạt cảnh đều sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc làm nền tảng. Tất cả cùng tạo nên những không gian sinh hoạt văn hóa dân gian - dân tộc sống động, đầy màu sắc và duyên dáng trên sân khấu, như đưa khán giả tìm đến và hiểu hơn vẻ đẹp đặc sắc của từng vùng miền quê hương Việt Nam.

Với vai trò của một giám khảo tại liên hoan, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng đánh giá: “Không chỉ với những tác phẩm quen thuộc, liên hoan năm nay còn ghi nhận nhiều tác phẩm mới được sáng tác nhưng đã rất thành công khi đưa vào âm hưởng dân ca, tạo dấu ấn với khán giả. Ngoài ra, các lĩnh vực độc tấu, hòa tấu nhạc dân tộc cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, không còn tình trạng tham gia góp vui như vài năm trước. Năm nay, các chương trình dự thi được đầu tư bài bản, từ khâu trình diễn đến đạo diễn dàn dựng. Điều này cho thấy sự quan tâm của các đơn vị văn hóa quận, huyện đối với đội ngũ nhạc công cổ nhạc”.

Đặc biệt, tại liên hoan năm nay còn có sự nhiệt tình tham gia sáng tác và biểu diễn của đội ngũ người lao động đang làm việc tại các đơn vị trong và ngoài nhà nước. Thậm chí, nhiều đơn vị còn xây dựng được đội ngũ văn nghệ sĩ rất đa dạng và nhiệt huyết, từ những em học sinh (diễn viên nhỏ tuổi nhất mới 9 tuổi) cho đến người cao tuổi, hưu trí (diễn viên lớn tuổi nhất hơn 60 tuổi).

Gìn giữ, lan tỏa và phát triển

Theo đánh giá của ban tổ chức, so với các kỳ liên hoan trước, năm nay các đơn vị tham gia đã có sự thay đổi trong tư duy, xem liên hoan như một sân chơi, một cuộc so tài giữa các đơn vị. Chính vì vậy, các đơn vị đã chăm chút đầu tư cho từng chương trình, tiết mục biểu diễn. Điều đó giúp cho không khí trình diễn ca múa tại liên hoan trở nên sôi động, hấp dẫn người xem hơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo liên hoan, ghi nhận: “Bên cạnh việc xây dựng các tiết mục có chất lượng, nhiều đoàn còn chịu khó nghiên cứu, sưu tầm bài bản gốc của các làn điệu dân ca để tạo nên bản sắc độc đáo cho các tiết mục của mình. Đó cũng chính là mong muốn lớn nhất của liên hoan khi thông qua hoạt động biểu diễn để khuyến khích tình yêu với nghệ thuật dân tộc, cùng chung tay bảo tồn, phát triển những di sản văn hóa truyền thống”.

Ngoài các tác phẩm về truyền thống, một mảng nội dung sáng tác quan trọng của liên hoan năm nay là những tác phẩm có nội dung về TPHCM, nhất là trong bối cảnh thành phố đang chuẩn bị cho các ngày lễ lớn trong năm 2025. Đó là những sáng tác về một thành phố năng động, sáng tạo, nghĩa tình; là những sáng tác phản ánh công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng, bảo vệ và tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; những tác phẩm tham gia đợt vận động sáng tác chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc Giai điệu quê hương, cho biết: “Liên hoan năm nay cũng là dịp để các đơn vị có thêm những tác phẩm sáng tác mới phản ánh quá trình 50 năm xây dựng và phát triển của TPHCM. Và với những chất riêng, bên cạnh các tiết mục đa dạng về chủ đề, đa sắc về hình thức thể hiện thì mỗi đơn vị đều nỗ lực chuyển tải những nét riêng của địa phương. Đó có thể là sự sôi động của các trung tâm kinh tế, là nét đẹp giản dị của các làng nghề truyền thống vùng ven… Một số còn xây dựng các tiết mục thành một câu chuyện sân khấu hóa tái hiện hình ảnh địa phương mình xuyên suốt từ những năm tháng sau chiến tranh đến ngày nay, tạo ấn tượng mạnh với khán giả”.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngot-ngao-giai-dieu-que-huong-post762914.html
Zalo