Ngọt ngào Đường thi với các làn điệu dân ca
Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp, chặt chẽ được thể hiện trong 5 điều: luật, niêm, vần, đối và bố cục. Về hình thức, thơ Đường luật có dạng phổ biến nhất là 'thất ngôn bát cú' (8 câu, mỗi câu 7 chữ) được xem là dạng chuẩn, kết cấu theo vần điệu trắc trắc, bằng bằng… hoặc bằng bằng, trắc trắc… Có nghĩa là tự bài thơ đã có yếu tố âm nhạc. Và 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú được ví như 56 viên ngọc lóng lánh, mỗi viên ngọc đều có vẻ đẹp hấp dẫn về nhạc điệu của riêng mình.
Ngày xưa các bậc nho sĩ đã từng ngâm vịnh, xướng họa thơ Đường luật tạo thành dòng mạch giao lưu giữa nhiều người. Một bài thơ xướng có thể họa thành hàng trăm bài như kiểu hát giao duyên, ngày nay có thể chuyển thành ca từ cho các làn điệu dân gian hát Then, đàn tính, Dá hai, Xà xá, Pựt lằn rất quen thuộc trong đời sống văn hóa, văn nghệ quần chúng, nhất là đối với dân tộc Tày, Nùng vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Có nhiều bài thơ Đường luật đã được phổ nhạc thành ca khúc, như bài thơ “Non xa xa” của Bác Hồ sáng tác tại Pác Bó được chuyển thành “Tổ khúc non xa xa” theo làn điệu Then tính và được biểu diễn tại nhiều thi đàn của hội thơ Đường luật trên cả nước và được đánh giá cao. Những năm qua, phong trào hát dân ca, hát Then, đàn tính đang được khôi phục. Ở cấp tỉnh có Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh, nhiều xóm, bản, tổ dân phố (kể cả người Cao Bằng di cư vào các tỉnh phía Nam) có tổ, nhóm, câu lạc bộ hát Then, đàn tính và hát dân ca. Đây là mảnh đất màu mỡ để sáng tác những ca từ mới, trong đó thơ Đường luật vốn là một thế mạnh cần được phát huy.
Các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng rất phong phú, đa dạng và đầy chất thơ, có những làn điệu dân ca dù chỉ nghe một lần cũng đọng lại trong tâm không thể nào quên. Các bài thơ Đường luật được các hội viên Hội thơ Đường luật tỉnh thể hiện bằng các làn điệu dân ca rất thành công và được đánh giá cao, như bài thơ “Hào hùng non nước Cao Bằng” của tác giả Hoàng Trung Phong, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được thể hiện bằng các làn điệu dân ca giao duyên đặc sắc Nàng ới, Sli giang, Pựt lằn, Dá hai… Hát giao duyên gồm có nam, có nữ, đó là hát song ca hay tốp ca. Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú chỉ có 8 câu, gồm cặp mở, cặp thực, cặp luận, cặp kết với 4 lần giao duyên “Lởi nàng ới” làm người thưởng thức mê đắm như thể lạc vào thế giới âm nhạc ngọt ngào của điệu vần dân ca nhưng vẫn nhận ra đó là bài thơ Đường luật, không lẫn vào đâu được.
Ví dụ: Nam: Lờ ới nàng a lới ới. “Địa linh nhân kiệt (ới) tụ nơi này. Pác Bó năm xưa Bác ở đây”, nàng lẻ ơi hỡi nàng à à nỏ…
Nữ: Lời nàng a lới ới. “Gom sắc hương rừng (ới) lo vận nước. Tháo gông xích Nhật, phá xiềng Tây”, nàng lẻ ơi hỡi làng à hà nỏ…
Nam: Lời nàng à lới ới. “Rừng Trần Hưng Đạo (ới) oai hùng thế. Phai Khắt Nà Ngần hiển hách thay”, nàng lẻ ơi hỡi nàng à nỏ…
Nữ: Lời nàng a lới ới. “Chiến thắng Đông Khê (ới) ngời sử sách. Cao Bằng non nước thế rồng bay”, làng lẻ ơi hỡi làng à à nỏ…
Tương tự như vậy, các hội viên Hội thơ Đường luật tỉnh đã biểu diễn bài thơ này qua làn điệu Sli giang rất thành công, đồng thời các hội viên thể hiện liên khúc các làn điệu dân ca trong một bài thơ để tạo nên sự phong phú, đa dạng về ca từ và nhạc điệu. Như bài thơ “Xuân mà” của tác giả Lã Vinh, các hội viên có thể hát bằng 3 làn điệu dân ca Sli giang, Nàng ới, Dá hai. Lời thơ như ngọt hơn, đằm thắm hơn và nhộn nhịp hơn qua từng làn điệu. Người nghe có thể cảm nhận được cảnh mùa xuân với lễ hội giao duyên, hoa lá đâm chồi, nẩy lộc và trăm hoa đua nở, khoe sắc, tỏa hương. Thậm chí người nghe cảm nhận được có tiếng chim hót líu lo, nghe được cả lời mời xướng họa những vần thơ Đường luật. Làn điệu nàng ới như nâng bước chân mọi người đến với ngày hội tung còn có những quả còn màu sắc sặc sỡ, vút qua, vút lại. Và qua làn điệu Dá hai mọi người cũng thấy cảnh “Mùa xuân là tết trồng cây/Để cho đất nước càng ngày càng xuân” như lời Bác dạy.
Bài thơ “Xuân mà”: “Xuân mà phú phí pjọm đông phja/Khuổi nặm slâư lây pjạn tổng nà/Khửn kéo mửng roàng thâng mọi tỷ…/Gàm tàng rổp khéc slí phương mà”. “Pàn đông nộc mởi khăn sli lượn…/Chang bản gần dùa họa xướng ca/Slương điếp phác gằm mừa pỉ noọng… Xuân ơi, phông bjoóc đuổi đin rà”. “Xuân mà én nhạn goạng bân slung/Đét ón chỏi pjai cáng mạy lùng/Đàn tính lượn Then voòng lắp lý/Vỏng gòn đeng đáo hỉn hôn dùng”. “Xuân mà bản noọng hội nàng Hai/Gần ké dùa eng thuổn nhình, giài/Lồng tổng chướng nà chay mạy mác/Bươn chiêng pi mâứ rủng đây lai”.
Bài thơ có 4 đoạn, các hội viên có thể hát đoạn 1, đoạn 2 bằng làn điệu Sli giang để tả cảnh và rủ bạn chơi xuân, đoạn 3 hát Nàng ới rủ bạn đi hội, đoạn 4 được thể hiện bằng làn điệu Dá hai để tả không khí vui tươi về những ngày đầu xuân ra quân trồng cây, tăng gia sản xuất.
Những vần thơ Đường luật được thể hiện qua các làn điệu quen thuộc mang tính truyền thống như Then tính, Pựt lằn, Nàng ới, Dá hai... đậm đà bản sắc dân tộc. Khi những vần thơ ngọt ngào được cất lên thì cỏ cây, hoa lá, chim muông và đất trời như hòa quyện vào lời ca, làm cho những lời thơ mượt hơn, như có cánh bay xa, bay cao, gọi mời da diết.
Hơn hết, các bài thơ Đường luật của Hội thơ Đường luật tỉnh đều mang tính Đảng cao, phục vụ cho công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng nông thôn mới và mang tính thời sự, kịp thời phục vụ cho công tác tuyên truyền. Bài thơ “Nông thôn mới” của tác giả Lã Vinh là một ví dụ. “Nông thôn đổi mới cả quê ta/Đứng dậy vươn lên tự mỗi nhà/Đảng nói dân theo xây hạnh phúc/Dân tin Đảng quyết dựng phồn hoa/Khơi nguồn Pác Bó bừng hoa thắm/Mở đất Minh Tâm rực sáng lòa/Hưng Đạo, Phúc Sen dồn tiến bước/Phong Châu nổi gió nức gần xa”.
Mỗi thể thơ đều có tính độc đáo rất riêng, có thể phổ nhạc thành các bài ca đi cùng năm tháng nhưng thơ Đường luật là thể thơ “bác học”, người sáng tác phải tuân thủ luật thơ rất nghiêm ngặt, chọn từ kỹ lưỡng tránh trùng từ trong bài thơ. Người sáng tác đều phải có tâm huyết, giỏi từ loại mới có được 2 cặp đối đẹp, hay và có ý nghĩa. Giờ đây, ngoài ngâm vịnh theo truyền thống, thơ Đường luật còn được các nghệ nhân hát theo làn điệu Then tính, hát giao duyên theo các làn điệu dân ca. Tin tưởng rằng, thơ Đường luật của Việt Nam nói chung và thơ Đường luật của Hội thơ Đường luật tỉnh Cao Bằng nói riêng luôn được gìn giữ, phát huy, trường tồn theo năm tháng trong các làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm.