Ngọn lửa của niềm tin

Tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng nhảy múa của trai gái tại Lễ Cha Xare/Cha đôi Tamay, một lễ hội nông nghiệp quan trọng nhất trong năm của người Bru-Vân Kiều mừng mùa màng bội thu, mang lại sự ấm no cho bà con dân bản đã dứt từ lâu nhưng niềm vui vẫn lâng lâng khiến Trưởng bản Hồ Suối không sao ngủ được.

***

Bản Tà Thiêng, gần một trăm ngôi nhà sàn nằm lặng lẽ quanh sườn núi Tà Thiêng của dãy Trường Sơn, từng là pháo đài của cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng khi hòa bình trở lại đã nhiều năm, bản làng vẫn là vùng đặc biệt khó khăn. Đất đai cằn cỗi, những mái nhà tranh xiêu vẹo, gương mặt người dân vẫn in hằn nét mệt mỏi, kham khổ và niềm tin dường như cũng đang bị thử thách.

Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Thực hiện chủ trương của trên, Bí thư chi bộ-Trưởng bản Hồ Suối tổ chức cuộc họp với dân bản để triển khai kế hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây macca, cà phê, chuối, sắn nguyên liệu... nhưng không có kết quả. Tại cuộc họp, không khí căng như dây đàn. Những đôi mắt đăm chiêu nhìn Trưởng bản Hồ Suối, xen lẫn sự nghi hoặc và mệt mỏi.

Hồ Thâm, kẻ nổi tiếng ương ngạnh trong bản, hàng ngày thường tụ tập một số thanh niên uống rượu, đánh bài, đứng bật dậy. Giọng hắn đanh lại như lưỡi dao mài sắc:

- Trưởng bản nói hay lắm, nhưng cái bụng tui không yên. Rứa thử hỏi, cây macca hay cà phê có mọc lên từ sỏi đá được không? Nước để tưới lấy ở mô? Đất cằn thì trồng chi cũng chết, phải không bà con?

Những tiếng xì xào đồng tình rộ lên. Người phụ nữ ngồi cuối dãy nói thêm, giọng buồn bã:

- Chúng ta đã nghèo, giờ thử nghiệm cái mới rồi thất bại, liệu có còn miếng ăn mà sống?

Trưởng bản Hồ Suối cảm thấy sức ép như đè nặng trên vai mình. Ông hít một hơi sâu, ánh mắt lướt qua từng gương mặt.

- Tôi hiểu cái lo của bà con. Nhưng bà con có nhớ không, hồi chiến tranh, đất này cũng toàn là bom đạn và chất độc hóa học. Vậy mà giờ rừng xanh đã hồi sinh, đó là nhờ công sức của chính chúng ta. Nếu bà con chịu đoàn kết, chịu làm, tôi tin bản Tà Thiêng cũng sẽ làm được!

Hồ Thâm nhếch mép, ánh mắt rực lên như thách thức:

- Nói thì dễ, làm mới khó! Trưởng bản có dám cam kết rằng cây macca, cây cà phê sẽ cứu được bản ta không? Hay lại thêm một lần thất bại? Nếu lần ni không thành, ông chịu trách nhiệm được chăng?

Câu hỏi như dao cứa. Một số người trong bản bắt đầu lục tục rời buổi họp, lời bàn tán râm ran: - Chắc chẳng ăn thua mô... Tự lo nương rẫy cho chắc ăn!

Trưởng bản Hồ Suối nhìn theo bóng người dân bỏ đi, lòng ông như thắt lại. Hồ Hồng-Bí thư Chi đoàn, bước tới đặt tay lên vai ông, giọng trầm lắng:

- Trưởng bản à, chúng ta phải gặp già bản Hồ Núi thôi. Chỉ có già mới giữ được niềm tin của dân bản lúc ni.

Hồ Suối gật đầu, trong lòng lóe lên hy vọng. Ông nói:

- Phải rồi... Già là người đã trải qua bao gian khó, từng dẫn đường cho bản làng vượt qua bóng tối. Có lẽ chỉ già mới giúp được chúng ta lúc ni.

Già bản Hồ Núi-Cựu bí thư chi bộ bản Tà Thiêng, nay tuổi gần bảy mươi, sức đã yếu, nhưng vẫn là linh hồn là người giữ vững ngọn lửa niềm tin của dân bản. Trưởng bản Hồ Suối nói với Hồ Hồng:

- Khi tui biết cầm cây rựa, biết đặt cái bẫy bắt con thú rừng thì đã thấy già ở cái bản ni rồi. Hồi đó già trẻ và đẹp lắm. Già làm đội trưởng đội du kích của bản, dạy con trai, con gái cách bắn súng kíp, bắn cung tên, cách đặt chông tre, bẫy rừng, bẫy đá. Tổ chức đội du kích mai phục ở những khu rừng rậm rạp, đèo cao, suối sâu, các con đường mòn, hang động... tấn công bất ngờ, khiến bọn Mỹ-ngụy khiếp vía mỗi khi liều lĩnh đến núi rừng Tà Thiêng ni...

Men theo bìa rừng Hồ Suối và Hồ Hồng đến nhà già bản. Ngôi nhà sàn nhỏ nhắn, nhưng bên trong mọi thứ được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Trên bàn thờ đặt một tấm bằng Tổ quốc ghi công người con gái duy nhất của già bản. Già bảo: “Mấy bữa ni trong người không được khỏe nhưng bây chừ thì đỡ rồi... Già đã biết chuyện... Hiểu cái bụng của người dân bản giống như trèo lên đỉnh núi cao, có cực nhọc, gian khổ mới thương yêu nhau thật cái bụng và đồng sức, đồng lòng được...”.

Đêm hôm sau tiếng chiêng lại khua vang. Nhưng nghe rộn rã, hối thúc hơn. Sau tiếng chiêng là tiếng bước chân rậm rịch, mọi người tề tựu về ngôi nhà sàn cộng đồng của bản Tà Thiêng. Già bản Hồ Núi ngồi ở giữa trịnh trọng, cả ngôi nhà sàn chật ních người, nhưng im phăng phắc. Già nói say sưa: “Người Pa Cô, Vân Kiều được vinh dự mang họ Bok Hồ, một lòng, một dạ đi theo Đảng, Bok Hồ không ngại hy sinh, gian khổ cùng cả nước đánh thắng thằng Pháp, thằng Mỹ giành độc lập tự do, thống nhất nước nhà.

Bây chừ Đảng, nhà nước muốn đồng bào hết cái nghèo, cái khổ, thoát khỏi tập quán lạc hậu: chặt rừng, đốt nương làm rẫy với cây trồng chủ đạo là lúa rẫy năng suất thấp để chuyển đổi sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh cây macca, cà phê, chuối, sắn nguyên liệu... thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân sản xuất. Đây là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước... Tôi đề xuất một kế hoạch: Chúng ta sẽ đào mương, làm hệ thống dẫn nước từ dòng suối La Rông trên núi về các cánh rừng quy hoạch trồng cây macca, cà phê...”.

- Tôi xin có ý kiến - Hồ Thâm đứng dậy nói: - Già bản ơi, đêm qua mưa to, lũ cuốn đất đá trên núi lấp kín suối rồi, mở thế nào được. Với lại, dân bản thiếu thốn đủ thứ, lấy mô ra sức mà làm?.

Già bản nghiêm giọng:

- Già biết không dễ nhưng nếu không bắt tay vào làm, chúng ta sẽ mãi nghèo. Già tin bà con dân bản ta đồng lòng, đồng sức nhất định sẽ làm được.

Những lời nói của Già bản như ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng. Đại đa số bà con dân bản đồng lòng quyết tâm thực hiện kế hoạch khơi thông dòng suối từ núi về. Tuy nhiên một số ít bà con vẫn còn do dự, đặc biệt là Hồ Thâm và nhóm thanh niên thường đàn đúm với y không phản ứng nhưng không tham gia, và còn rỉ tai nhau rằng công sức này chỉ uổng phí.

Dù vậy, Già bản, trưởng bản không nản chí. Họ cùng bà con dân bản, dẫn đầu là Hồ Hồng-Bí thư chi đoàn và những thanh niên của chi đoàn bắt tay vào việc...

Con suối La Rông len lỏi trong những khu rừng bạt ngàn cây lá của Trường Sơn gặp những con khe nhỏ hợp thành dòng nước lớn chảy bao quanh lấy ngọn núi Tà Thiêng. Vậy mà trận lũ quét đã khiến cho con suối đục ngầu, đất đá trên núi tràn xuống chặn kín.

Hành trình khơi thông dòng suối La Rông bắt đầu. Cả làng chia thành từng nhóm, thay nhau bám núi, mở lại dòng chảy. Những hòn đá lớn chắn suối phải dùng sức người mà chuyển đi. Có ngày bị mắc mưa rừng, lạnh đến tê tái, nhưng mọi người vẫn không ai rời bỏ. Và không phụ lòng dân bản, dòng nước lớn của suối La Rông lại chảy bao quanh lấy ngọn núi Tà Thiêng.

***

Mưa lớn kéo dài, khiến đất trên núi sạt lở. Trong một đêm, một phần con mương mới đào bị vùi lấp. Nhiều người dao động, lo lắng. Hồ Thâm đến, nhìn Già bản đang cặm cụi đắp lại mương, cười nhạo:

- Đó, tui đã nói rồi. Cố gắng làm chi khi con đường ấy chỉ dẫn đến thất bại.

Già bản nhìn Hồ Thâm, ánh mắt đầy trắc ẩn:

- Hồ Thâm à, sao cậu lại dám nói như rứa? Dân bản mình, một lòng một dạ đi theo Đảng, đánh thắng giặc ngoại xâm... Già này đã đi con đường ấy cả đời mình, từ ngày cầm súng đánh giặc đến bây chừ. Không có Đảng thì dân bản mình, già và cậu đã chẳng còn đến bây chừ... Có khó khăn thì phải cùng nhau vượt qua, như chúng ta từng vượt qua chiến tranh, bom đạn. Mọi người đồng sức, đồng lòng, sao cậu cố tình không tĩnh ngộ rứa?.

Hồ Thâm nghe Già bản nói vậy, lặng lẽ bỏ ra về...

Mấy hôm sau, dân bản đang đào mương dẫn nước thì cánh rừng trước mặt bốc lửa nghi ngút, nguy cơ sẽ lan ra thiêu rụi cả khu nhà sàn của dân bản. Mọi người hốt hoảng, Già bản và Trưởng bản cùng bà con dân bản đã vội vã ứng cứu, rất may nhờ có con mương dẫn nước từ suối La Rông lên cánh rừng gần đó nên đã kịp thời dập tắt. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ, nguyên nhân cháy rừng là do Hồ Thâm tự ý dẫn nhóm thanh niên đàn đúm hằng ngày, đi đốt nương làm rẫy. Hồ Thâm và mấy thanh niên bị bỏng nhẹ. Hắn đứng lặng người, mặt mày tái xám, ánh mắt mờ mịt nhìn cánh rừng đã bị cháy nham nhở...

Công việc đào mương dẫn nước phải kéo dài nhiều ngày vất vả và trong thời tiết khắc nghiệt nhưng bà con dân bản vẫn tích cực, nỗ lực, hồ hởi, phấn khởi. Trong một ngày đào mương dẫn nước, Già bản bị đất lở chôn lấp một phần cơ thể. Khi được đưa ra, Già bản đã bị thương nặng, không thể đứng dậy được nữa. Trước khi bất tỉnh, Già bản chỉ kịp nói với Hồ Hồng:

- Các cháu là lực lượng xung kích của bản làng. Hãy tin vào chủ trương, đường lối của cấp trên, tin vào chính mình. Hãy làm cho thật tốt, để bà con thấy rằng đó là con đường đúng đắn của Đảng và nhà nước...

Nghe tin Già bản gặp nạn khiến cả bản làng bàng hoàng. Hồ Thâm không khỏi áy náy. Một đêm, Hồ Thâm đến thăm Già bản. Nhìn thân hình gầy guộc của Già-linh hồn của bản làng giờ nằm bất động, Hồ Thâm ấp úng rồi nhẹ nhàng nói:

- Già bản ơi! Tui đã sai, hãy tha thứ cho tui. Tui sẽ đi theo con đường của già bản.

Già bản dù rất mệt nhưng vẫn nở nụ cười nhìn Hồ Thâm.

Không ai ngờ, ngay sáng hôm sau, Hồ Thâm dẫn đầu nhóm thanh niên bỏ cuộc trước đó, quay lại công trường khơi suối. Những người từng do dự cũng tham gia đầy đủ. Họ nói với nhau rằng, nếu một người già yếu như Già bản còn không từ bỏ, tại sao mình lại buông xuôi?...

Tại buổi Lễ Cha Xare/Cha đôi Tamay, trai gái say sưa trong điệu nhảy truyền thống của dân tộc, hát những làn điệu dân ca ấm áp, trữ tình. Già bản Hồ Núi ngồi trên xe lăn, đôi mắt ánh lên niềm vui, nhưng phảng phất chút nuối tiếc vì sức khỏe không còn.

Trên đỉnh ngọn núi Tà Thiêng, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Lưng chừng sườn núi, dòng suối La Rông trong vắt theo những con mương uốn lượn qua những cánh rừng chuyên canh cây macca, cà phê, chuối xanh mướt, trĩu quả...

Truyện ngắn: Văn Xương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ngon-lua-cua-niem-tin-193384.htm
Zalo