Ngôi trường đậm đà bản sắc dân tộc
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT THCS) huyện Đam Rông là nơi hội tụ học sinh của 12 dân tộc anh em, có hơn 15 năm hình thành và phát triển. Thầy cô quan tâm, chia sẻ, gắn bó với các em học sinh, cùng xây dựng ngôi trường thành mái nhà chung của các em học sinh các dân tộc anh em.
Trường PTDTNT THCS huyện Đam Rông được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 405, ngày 2/6/2008 của UBND huyện Đam Rông; ban đầu chỉ có hơn 10 cán bộ, giáo viên, nhân viên, có 2 lớp học với tổng số 50 học sinh.
Thầy Nguyễn Đức Anh - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Qua hơn 15 năm thành lập và phát triển, hiện nay nhà trường có cơ sở vật chất khang trang đảm bảo tốt cho hoạt động dạy và học; khuôn viên nhà trường sạch sẽ, thoáng mát đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, rèn luyện và sinh hoạt của học sinh nội trú. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường qua các thế hệ, chất lượng giáo dục học sinh của nhà trường ngày được nâng lên; tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt được hằng năm của nhà trường luôn đứng tốp đầu so với các trường THCS trên địa bàn huyện cũng như các trường PTDTNT THCS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2014, Trường PTDTNT THCS huyện Đam Rông được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I đầu tiên của huyện Đam Rông. Tiếp nối thành tích đó, cùng với sự quan tâm các cấp và sự phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh của trường, đến năm 2021, Trường PTDTNT THCS huyện Đam Rông một lần nữa được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II đầu tiên của huyện Đam Rông.
Năm học 2024-2025 nhà trường có tổng số 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 12 lớp học với tổng số 360 học sinh nội trú. Với nhiệm vụ năm học 2024-2025 là năm cuối về thực hiện lộ trình thay đổi sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với tất cả các khối lớp, nhà trường đã thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về thực hiện đổi mới công tác dạy học có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, phát huy phẩm chất và năng lực của người học.
Đặc biệt, hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng đoàn kết, vượt qua khó khăn, vươn lên cùng đất nước”, nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) gắn với kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Đam Rông (30/12/2004-30/12/2024), nhà trường, công đoàn phối hợp phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường theo tinh thần Chỉ thị 34, ngày 20/4/2024 của Tỉnh ủy về "Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Thầy Nguyễn Đức Anh cho biết thêm: Do đặc thù của trường dân tộc nội trú, các cháu ăn ở tại chỗ, trong độ tuổi đang phát triển, dậy thì nên có nhiều nguy cơ có thể xảy ra với độ tuổi này. Cứ vào đầu năm học, nhà trường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho học sinh về SKSS, giới và bình đẳng giới, những thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên nhằm giúp cho học sinh ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm trong độ tuổi các em; đưa ra những tình huống để các em nhận thấy việc nên và không nên làm trong độ tuổi này. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế và trạm y tế đóng trên địa bàn để tuyên truyền giáo dục cho học sinh về chăm sóc SKSS, vị thành niên, thanh niên. Tổ chức tuyên truyền các chuyên đề ngoại khóa và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức liên quan để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa do các thầy cô phụ trách chuyên môn sinh học, giáo dục công dân, Đoàn Thanh niên, tổ chuyên môn tuyên truyền cho các em vào đầu năm học, thường ít nhất 2 lần/năm phối hợp y tế tuyên truyền về chăm sóc SKSS.
Trường PTDTNT THCS huyện Đam Rông có 100% các em học sinh thuộc 12 dân tộc, chủ yếu là người K’Ho, Cill, M’nông, Thái, Tày, Mường, Dao... Ban Giám hiệu nhà trường rất cẩn thận cả việc phân chia, bố trí chỗ ăn ở cho các em, chỗ ở nam nữ riêng biệt, sinh hoạt riêng biệt. Nhà trường nhiều năm qua không xảy ra tình trạng tảo hôn và có thai ngoài ý muốn trong học sinh. Kinh nghiệm cơ bản là công tác tuyên truyền thường xuyên và công tác quản lý, giám sát chặt chẽ của thầy cô, Ban Giám hiệu, hàng ngày bố trí trực 3 ca ngày và đêm. Tạo sân chơi bổ ích, nhà trường trang bị đầy đủ sân chơi tập luyện thể thao trong các giờ nghỉ cho học sinh như có bể bơi, sân bóng đá, tổ chức xem phim tập thể, các CLB thể dục, thể thao, câu lạc bộ cồng chiêng...
Em Móc H’ Đuyên (dân tộc M’nông) đang học lớp 9 cho biết: “Nhà em ở Đạ R’Sal, em học nội trú tại trường và cứ 1 tháng về thăm nhà 1 lần. Tại trường, em ở cùng 12 bạn nữ 1 phòng. Chúng em đều được trang bị kiến thức về SKSS, không nên tảo hôn, không nên kết hôn cận huyết thống vì có thể gây nên các bệnh bẩm sinh cho con cái sau này, nhà trường cấm việc yêu sớm nên các bạn ý thức không vi phạm, mặc dù cũng có ấn tượng với một vài bạn khác giới”. Thành tích của H’ Đuyên là học sinh giỏi từ lớp 6 đến lớp 8, riêng năm lớp 8 em tham gia Hội thi về Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của tỉnh và thi chỉ huy liên đội giỏi cấp huyện. H’Đuyên chia sẻ thêm: “Nhà em có 3 anh chị em, em là đứa con thứ nhất trong gia đình, em nghĩ khi lập gia đình mình chỉ sinh 2 con là đủ, còn việc của em bây giờ là tập trung học hành để phát triển tiềm năng của bản thân”.
Cô giáo dạy Văn Lăng Thị Sáng (dân tộc Nùng) cho biết: Việc giáo dục giới tính cho học sinh được nhà trường quan tâm, phối hợp với ngành Y tế tổ chức các buổi tuyên truyền về sức khỏe, giới tính. Theo đánh giá của các thầy cô, những năm gần đây học sinh bước vào tuổi dậy thì sớm hơn nên yếu tố tâm lý, tình cảm nam nữ cũng “rung rinh” có sớm hơn so với các anh chị khóa trước. Tuy nhiên, chuyện yêu đương của học sinh được thầy cô, lãnh đạo nhà trường quan tâm và phụ huynh cũng phối hợp tốt nên không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như học sinh có thai phải nghỉ học...