'Ngôi sao' TikTok: Khai thác thói quen, nỗi sợ để thao túng

Nhắm vào các bạn trẻ ham học hỏi nhưng chưa nhiều trải nghiệm sống, thiếu kỹ năng phản biện…, nhiều 'idol TikTok' ('ngôi sao' TikTok) không rõ trình độ, đạo đức, mức độ thành công, chỉ dựa vào tài ăn nói để mở đủ loại khóa học (dạy yêu, dạy sống, dạy làm giàu…) với mức phí vài chục, có khi lên đến vài trăm triệu đồng.

Một life coach dạy bạn trẻ... cách sống

Một life coach dạy bạn trẻ... cách sống

Dẫn dụ chuyên nghiệp

“Đàn ông nó thấy mấy đứa con gái kia dễ dãi quá mắc gì nó qua với chị, chị khó mà. Đàn ông sẽ không tăng giá trị lên khi người phụ nữ kế bên họ không tự tăng giá trị mình lên”, “Từ đầu mình đã kém nên mình mới bị gái nó bào. Các bạn không học, các bạn bị gái dụ rồi về dằn vặt”… Những luận điểm vốn rất ngụy biện, nhưng chỉ cần chèn thêm một chút tích cực, nhân văn ở vế sau (thương người, thúc đẩy người nghe cố gắng, đứng về nữ quyền…), thêm cách truyền đạt theo kiểu “càng thô càng có vẻ thật”, đã giúp nhiều người nhanh chóng trở thành những life coach (huấn luyện viên cuộc sống).

Một chiêu trò thông dụng khác là dùng từ ngữ, diễn đạt một cách vĩ đại, trừu tượng pha một chút gì đó có vẻ nghịch lý, kiểu: “Tận cùng của trí tuệ là tưởng tượng chứ không phải tri thức”, “EQ cao đến tầm cỡ ngây ngô sẽ giúp bạn có câu trả lời khiến loài người ngơ ngác!?”, “Bạn đổi đời hay đời đổi bạn là hai triết lý cơ bản bao trùm khắp nhân gian”.

Thật ra, nếu xem hết clip, bạn trẻ sẽ thấy rằng, dù dùng lời lẽ rất hoành tráng nhưng về cơ bản, các “tri thức” trên đều dựa trên những lập luận giản đơn, phổ biến mà ai cũng biết. Thế nhưng, life coach sẵn sàng xem đó là “sự thật bao trùm nhân sinh” (trích lời của một life coach khá nổi tiếng) và điểm cuối thường là lời kêu gọi đăng ký khóa học, hay mua sách của mình với mức giá khá cao so với sách của các chuyên gia, tiến sĩ tâm lý, triết học thực sự.

Và để thuyết phục người xem chốt đơn, life coach thường tung “chiêu cuối” đánh vào tâm lý tham vọng và thiếu kiên nhẫn: đọc xong sẽ hiểu được bản chất của tất cả mọi thứ xảy ra trên thế giới, tự tin đi cạnh bất cứ tỷ phú, giáo sư nào…

“Nắm thóp” người học

Nhớ lại lần kéo em trai ra khỏi một lớp học kiểu này, Lê Hà (30 tuổi, nhân viên văn phòng) ngao ngán: “Cá nhân tôi nghĩ chiêu này hiệu quả nhất với những người trẻ ít bè bạn, như em trai tôi, họ sẵn sàng đưa ra những câu chuyện trái khoáy với bình luận kiểu “em mới…, chị chửi em đi” để có cảm giác bớt cô đơn khi có ai đó nói chuyện, thậm chí phê phán, chửi mắng mình”.

Còn Ngọc Hà (25 tuổi, nhân viên telesale) thì đưa ra lý do việc chị luôn bị cuốn theo các clip dạy cách sống: “Mỗi khi thấy mấy bài giảng kiểu này là tôi lại vào xem, cũng chả hiểu gì, có khi còn thấy kỳ kỳ nhưng không xem lại thấy sợ, kiểu sợ ai cũng học theo clip rồi tiến bộ hơn, bỏ lại mình không ra gì. Giờ nghĩ lại, thấy mình như bị đánh vào nỗi sợ để thao túng ấy”.

Và đó cũng là tâm lý chung của những người lên mạng với những “thầy” kiểu này. Khi có chút nghi ngờ, thay vì xem lại thật kỹ để phản biện, thì phản ứng thông thường của người dùng mạng là vào đọc bình luận trên clip và search (tra cứu) xem người “thầy” này có dính “phốt” (những vụ việc lùm xùm) hay gì không. Nếu “thầy” không có điều tiếng gì, người xem vào xem, thích thì like, còn không sẽ nhẹ nhàng lướt qua. Bởi dù sao, người xem cũng chỉ đang lướt TikTok trên tâm thế cho vui, giải trí. Và thế là các “thầy” lại tiếp tục thoải mái chào mời người mới.

Việc seeding (tự lan truyền những nội dung, thông tin tốt về mình trên khắp các nền tảng), xóa “phốt” bằng lý lẽ để đổi trắng thay đen không khó với các life coach vốn nổi lên nhờ tài ăn nói. Nắm bắt rõ tâm lý và cả thói quen dùng mạng xã hội của những bạn trẻ và để khỏi “dọn dẹp” khi sự đã rồi, có life coach nhờ “học viên” làm clip dọa trước: “Có rồi nha, có đứa cắt video trong lớp đăng ra ngoài bị phạt 300 triệu đồng, những người tố “thầy” lừa đảo sẽ bị đưa bằng chứng cho luật sư luôn, không có cãi qua cãi lại đâu…”.

Không những thế, theo như Châu Trần (sinh viên, ngụ TPHCM), từng tham gia một lớp học, kể lại: “Mọi bình luận phản biện trong nhóm lớp đều bị xóa và phải nghe lời như robot. Còn nếu phản biện trực tiếp sẽ bị bắt nạt tập thể, cực kỳ ảnh hưởng đến tinh thần”.

Hình ảnh các lớp học offline được tổ chức trong khách sạn 4-5 sao, khóa học online có vài trăm người tham gia, nhóm hâm mộ vài ngàn thành viên trên Facebook… không thể thể hiện chất lượng khóa học. Kỳ vọng của bạn trẻ khi đăng ký có thể rất cao, nhưng nội dung nhiều khóa học hầu hết xào nấu từ các kiến thức rất cơ bản có trên mạng, lập luận mắc lỗi ngụy biện khó nhận ra. Điểm đặc biệt ở đây có chăng chỉ là cách diễn đạt những điều rất bình thường (thậm chí tư duy lỗi, độc hại) dưới một phong cách mà bạn trẻ yêu thích, từ đó tạo nên sự hứng thú của người trẻ.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngoi-sao-tiktok-khai-thac-thoi-quen-noi-so-de-thao-tung-post753416.html
Zalo