'Ngôi nhà xanh' trao gửi yêu thương
Nhằm hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi, tăng nguồn lực chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng mô hình 'Ngôi nhà xanh'. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm 'Ngôi nhà xanh' đặt ở các chợ, trường học, khu dân cư.
Những món quà ấm áp
Những ngày cuối năm tiết trời giá rét, bà Đỗ Thị Kim Dung (SN 1963) ở thôn Dĩnh Xuyên, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) thêm yếu mệt vì căn bệnh ung thư. Biết được tình trạng sức khỏe của hội viên, chị em trong thôn Dĩnh Xuyên thay nhau sang thăm hỏi, hỗ trợ bà việc gia đình. Bà Dung nói: “Tôi phát hiện bệnh từ đầu năm 2022, lúc đó chồng tôi cũng mắc bệnh phổi nên chi phí chữa bệnh của hai vợ chồng tốn kém. Chị em trong xã đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều, tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ đó gánh nặng chi phí chữa bệnh của tôi giảm đáng kể. Tôi rất cảm động vì sự quan tâm đó. Đây là nguồn động lực lớn giúp tôi vững vàng hơn để chiến đấu với bệnh tật và vươn lên trong cuộc sống”. Được biết, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Lạng Giang tặng gần 200 thẻ BHYT cho hội viên nghèo, cận nghèo, trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí phần lớn từ "Ngôi nhà xanh", nơi các chị em thu gom, phân loại rác thải xây dựng quỹ tiết kiệm.
Tại TP Bắc Giang, những “Ngôi nhà xanh” ở các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã giúp hình thành thói quen phân loại rác tái chế, tiết kiệm phế liệu không chỉ đối với hội viên phụ nữ mà trong cả cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa thiết thực của mô hình, Hội LHPN TP đã nhân rộng ra các trường học nhằm tạo thêm nguồn lực giúp đỡ học sinh. Hội LHPN cơ sở phối hợp với liên đội các trường học phát động học sinh trong trường sau mỗi giờ học dọn dẹp vệ sinh lớp và thu gom giấy, phế liệu "nuôi" mô hình. Số phế liệu này được bán hằng tháng để gây quỹ hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, toàn TP có hàng chục “Ngôi nhà xanh” với gần 2 nghìn thành viên. Qua đó giúp sinh kế, đồ dùng học tập cho hàng trăm lượt hội viên phụ nữ, học sinh. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại các khu dân cư, lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.
Tại thị xã Việt Yên, những ngày này, hoạt động chăm lo Tết cho hội viên phụ nữ cũng được các chi hội triển khai sôi nổi. Hội LHPN thị xã đã phát động đợt cao điểm kêu gọi các cấp hội phụ nữ cơ sở dọn dẹp nhà cửa, phân loại rác tại nguồn để đem đến các “Ngôi nhà xanh”. Thời gian cao điểm kéo dài một tháng (từ ngày 29/12/2024 đến ngày 26/1/2025). Đến nay, số tiền tiết kiệm từ mô hình tăng gần 20% so với tháng trước đó. Ngoài nguồn tiết kiệm này, các cấp hội phụ nữ thị xã còn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, phấn đấu tặng khoảng 500 suất quà Tết cho hội viên, trẻ em.
Được biết, năm 2024, từ mô hình, các cơ sở đã thu gom phế liệu, tiết kiệm được 51,3 triệu đồng để tặng 400 kg gạo, 330 con gà giống, 42 suất quà cho 73 lượt hội viên phụ nữ nghèo. Điển hình như Hội LHPN phường Nếnh, dù vừa triển khai được một tháng nhưng số tiền tiết kiệm từ mô hình thu về đủ để tặng 12 thẻ BHYT và 30 suất quà Tết.
Thêm nhiều mô hình mới
Mô hình “Ngôi nhà xanh” là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án 1553). Mô hình được xây dựng với mục đích thu gom rác thải tái chế gây quỹ giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Qua đó phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa thiết thực đó, mô hình đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm “Ngôi nhà xanh” đặt ở các khu dân cư, trường học, chợ...
Năm 2024, từ “Ngôi nhà xanh” và các mô hình thu gom, phân loại rác thải, các cấp hội trong tỉnh đã tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Một số đơn vị điển hình là: TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Tân Yên, Lạng Giang.
Năm 2024, từ “Ngôi nhà xanh” và các mô hình thu gom, phân loại rác thải, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tiết kiệm hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Một số đơn vị điển hình là: TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Tân Yên, Lạng Giang.
Mỗi món quà từ nguồn tiết kiệm của mô hình "Ngôi nhà xanh" đều thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia, yêu thương của hội viên phụ nữ dành cho nhau. Sự quan tâm đó là nguồn động lực giúp các hoàn cảnh éo le từng bước ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và học tập tốt hơn. Tiếp tục thực hiện Đề án 1553 nói chung và triển khai mô hình trên, năm 2025, thị xã Việt Yên nhân rộng thêm 48 "Ngôi nhà xanh" tại 5 phường, xã gồm: Bích Động, Nếnh, Quang Châu, Thượng Lan, Minh Đức. Để hỗ trợ các chi hội, vừa qua, Hội LHPN thị xã tặng các “Ngôi nhà xanh” bằng khung thép cao gần 2 m; rộng 1,8 m; bọc lưới kim loại xung quanh và hướng dẫn cơ sở lựa chọn địa điểm đặt phù hợp, thuận tiện cho người dân bỏ phế liệu.
Theo đồng chí Ngô Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Việt Yên, mô hình này gắn với việc phân loại rác thải tại nguồn nên các chi hội triển khai khá thuận lợi. Qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân chung tay phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, xây dựng thị xã xanh, sạch, đẹp.
Tại huyện Tân Yên, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội khảo sát tình hình, nắm bắt số lượng, loại rác thải ra môi trường để lựa chọn điểm đặt “Ngôi nhà xanh”. Bước đầu khảo sát cho thấy tại các chợ, khu nhà trọ, cụm công nghiệp là những nơi tiêu thụ nhiều hàng hóa, lượng rác thải lớn, trong đó lẫn cả phế liệu. Vì vậy, năm 2025, Hội LHPN huyện sẽ nhân rộng mô hình này tại những khu vực cộng đồng, địa bàn có lượng rác tái chế lớn. Đồng thời bổ sung số lượng điểm tiếp nhận, thu gom rác thải nhựa, phế liệu đối với địa bàn rộng. Từ đó có thêm nguồn lực giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và hình thành thói quen tiết kiệm rác tái chế, bảo vệ môi trường trong nhân dân.
Đồng chí Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Năm 2025 là năm cuối thực hiện Đề án 1553. Do đó, song song với nhân rộng các mô hình hiệu quả như “Ngôi nhà xanh”, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội bám sát các mục tiêu của Đề án để triển khai các nội dung theo đúng lộ trình. Trong đó, chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong bảo vệ môi trường; quan tâm khen thưởng, động viên các điển hình. Đồng thời đẩy mạnh vận động hội viên phụ nữ tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hiệu quả các mô hình. Từ đó báo cáo, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh