Ngôi nhà chung của những người 'lầm lỡ'
Việc chăm lo tốt cho các học viên cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số III tỉnh Nghệ An đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các huyện vùng cao xứ Nghệ. Với quan điểm 'cơ sở cai nghiện là nhà', thân thiện, an toàn đã giúp cho bản thân người cai nghiện cảm thấy tự tin, lạc quan hơn khi điều trị bệnh.
Tác hại khôn lường của ma túy
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp tăng cường công tác đấu tranh phòng chống, nhưng tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, trở thành nỗi lo của nhiều gia đình.
Ma túy không chỉ có tác hại đối với sức khỏe, tinh thần của cá nhân, mà còn tác động đến gia đình và xã hội. Chỉ cần trong gia đình có một người nghiện thì nếp sống gia đình sẽ bị xáo trộn, tiền bạc bị thất thoát, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị giảm sút, tình cảm bị rạn nứt.
Không những thế, người nghiện còn có thể làm bất cứ điều gì dù cho ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay trở thành tội phạm để thỏa mãn cơn nghiện của mình.
Với mong muốn giúp đỡ những phận đời lầm lỗi không may dính vào ma túy sớm trở thành một con người mới, sống có ý nghĩa với gia đình và xã hội là điều mà bất kỳ cán bộ, nhân viên hay học viên nào tại Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số III tỉnh Nghệ An (có địa chỉ tại thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An) đều đang hướng đến, họ hy vọng mùa xuân sẽ thực sự trở lại...
Đã từng một thời, tại các bản như Xốp Mạt, Minh Phương và Bản Đửa của huyện Tương Dương được coi là bản “không chồng”, vì đàn ông trong bản hầu hết bị bắt hoặc chết do ma túy. Ở đây, không ít những đứa trẻ rơi vào cảnh không nơi nương tựa vì bố mẹ chúng phải đi tù, có những gia đình có tới 10 người bị án tù vì liên quan đến ma túy.
Bên cạnh đó, Tương Dương cũng là huyện tiếp giáp với các huyện miền núi khác của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Con Cuông – là những điểm nóng về ma túy. Do đó, loại tội phạm này dễ dàng hoạt động và dễ tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng truy bắt. Đây cũng là địa bàn tiếp giáp với nước bạn Lào, nên có vô số đường tiểu ngạch để có thể vận chuyển ma túy qua vùng biên giới.
Đặc biệt, do đời sống của bà con còn khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dẫn đến con đường mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.
Từ những nguyên nhân trên mà trong những năm qua, Tương Dương trở thành huyện có tỉ lệ người nghiện ma túy tăng cao, tuổi đời ngày càng trẻ, trong khi đó, công tác cai nghiện ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, với nhiều lỗ hổng phải sớm khắc phục.
Nơi hồi sinh những phận đời “lầm lỡ”
Từ khi được thành lập đến nay, không thể thống kê được chính xác đã có bao nhiêu gia đình tìm lại được niềm vui đoàn tụ, cũng như bao nhiêu phận người “lầm lỡ”, phút bồng bột bán mình cho “nàng tiên nâu” đã được cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số III tỉnh Nghệ An giáo dục, cai nghiện thành công để trở về cộng đồng làm lại cuộc đời.
Chỉ biết rằng, mỗi năm như vậy, đã có khoảng 80-90 gia đình may mắn có được niềm vui ấy từ đơn vị - nơi tiếp nhận, chữa trị, cắt cơn giải độc, giáo dục phục hồi nhân cách, tổ chức liên kết đào tạo nghề và hướng nghiệp cho người nghiện ma túy trên địa bàn miền Tây xứ Nghệ nói chung và huyện Tương Dương nói riêng.
Trong năm 2024, Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số III tỉnh Nghệ An đã được giao chỉ tiêu cai nghiện cho 130 học viên (trong đó, bắt buộc 120 học viên, tự nguyện 10 học viên). Tính đến ngày 25/6/2024, cơ sở đã thực hiện tiếp nhận 30 học viên (trong đó 21 học viên bắt buộc tại Cơ sở, 9 học viên lưu trú).
Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ sở đang quản lý cai nghiện cho 142 học viên. Trong đó, bắt buộc132 học viên, tự nguyện 01 học viên và lưu trú là 9 học viên. Các học viên ở đây 100% giới tính là nam, có độ tuổi từ 18 đến 55, dân tộc Thái chiếm 70%, Khơ mú 20%, Kinh 5% và Hmông 5%.
Theo thống kê số liệu dựa trên hồ sơ quản lý tại Cơ sở, loại ma túy học viên chủ yếu sử dụng là hêrôin, ma túy đá, hồng phiến và các loại ma túy tổng hợp khác, trong đó hêrôin chiếm tỉ lệ 90%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho 45 lượt học viên (trong đó 43 học viên bắt buộc; 02 học viên tự nguyện).
Song song với việc cai nghiện, đơn vị còn luôn chú trọng đến công tác dạy và truyền nghề cho các học viên. Ông Trần Đình Nam – Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy bắt buộc số III tỉnh Nghệ An, cho biết: “Hiện tại, cơ sở đã triển khai 02 lớp dạy nghề Kỹ thuật hàn với tổng số 60 học viên tham gia, mỗi lớp 30 học viên.
Công tác truyền nghề được đơn vị đặc biệt chú trọng, trong đó chủ yếu là truyền nghề gia công hàng hóa, xây dựng, gò hàn, chăn nuôi, trồng rau sạch… Cơ sở đã truyền nghề cho 100% học viên vào cai nghiện và đạt hiệu quả tích cực”.
“Để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ trực gác luân phiên 24/24 giờ trong ngày nên đã không xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn. Đồng thời, đơn vị còn thường xuyên duy trì hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lao động trị liệu giúp các học viên tích cực tham gia các phong trào hoạt động tại đơn vị. Qua đó, giúp họ thấy được nhiều hơn ý nghĩa của cuộc sống và được tiếp thêm động lực để đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy”, ông Nam cho biết thêm.
Việc hướng dẫn học viên từ những việc nhỏ nhất như nề nếp trong sinh hoạt, học nghề, trồng trọt, chăn nuôi… tưởng chừng rất dễ, nhưng lại là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ. Bởi người cán bộ phải thực sự kiên trì, chỉ một chút nản, hay ức chế với sự chậm chạp, thái độ của học viên sẽ khiến cho học viên lại càng thiếu niềm tin vào chính mình.
Cai nghiện vốn đã khó, nhưng để họ không tái nghiện và hòa nhập với cộng đồng lại càng khó hơn. Để làm được điều đó, đòi hỏi ở sự nỗ lực của chính bản thân những người đã được cai nghiện, sự động viên giúp đỡ, thương yêu của người thân, gia đình cũng như sự cảm thông, chia sẻ của cả cộng đồng và toàn xã hội.