Ngôi nhà âm nhạc trên đồi hoa
Ngã ba đường Hùng Vương, Trại Mát và Thái Phiên (phường 11) là cửa ngõ phía đông bắc của thành phố Đà Lạt. Từ đây du khách có thể xuôi về Phan Rang hoặc ngược ra Nha Trang. Ông Nguyễn Anh Dũng ở đường Nam Hồ kể, xưa bác sĩ A. Yersin (người tìm ra Đà Lạt) đã từng đi ngựa xuống tận Tháp Chàm. Đó là con đường dốc vắt vẻo lên xuống dài gần trăm cây số vượt qua cung đèo hiểm trở Đran (đường 20). Sau đó dốc cuối đèo nhập vào đường 27 đi tới Phan Rang.
Ký ức của một kỵ mã
Với tôi, ông Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1966) luôn là một chàng kỵ mã ngang tàng với chiếc mũ phớt dạ cùng cây súng săn trên vai. Ông kể có lần đã phi ngựa lên đỉnh đèo Đran ngắm mây trời và săn được một con chim đại bàng hung dữ. Chàng kỵ mã ngày đó theo cha đi chăn ngựa cho trường đua Phú Thọ (Sài Gòn cũ) từ khi mới 10 tuổi.
Cái số Nguyễn Anh Dũng thật kỳ lạ. Cầm tinh tuổi ngựa, có đôi mắt ngựa to dài, Nguyễn Anh Dũng để tóc dài như bờm ngựa từ bé. Cuộc đời đưa đẩy, qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gia đình Nguyễn Anh Dũng ngược lên phía bắc hoang vu thành phố Đà Lạt sinh sống. Cuộc đời cha con ông gắn bó với nghề nuôi ngựa từ khi du lịch được mở tại hồ Than Thở và cao nguyên Lang Biang của người Lạch (Kho).
Đi dọc con đường Nam Hồ (nối đường Hùng Vương với Hồ Xuân Hương), ông Nguyễn Anh Dũng khoát tay một vòng rồi nói, phường 11 (ấp Nam Hồ và Tự Phước xưa) chính là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong thời kỳ kháng chiến. Nơi đây là vùng chiến sự ác liệt và hiện còn dấu tích của những cửa hầm bí mật bên khu Trại Mát.
Ông tự hào kể, một trong những người Thừa Thiên Huế quê ông đã xây dựng chùa Linh Phước (năm 1940) và đình Đa Phước (1942). Sau đó, ông Dũng dẫn tôi lên ngôi nhà trên lưng đồi kế bên đường Nam Hồ. Ông gọi đó là chuồng nuôi ngựa của gia đình ông đã hơn 30 năm qua.
Bất ngờ có tiếng hý vang, một chú ngựa cao lớn chạy từ trong nhà ra. Tôi giật mình vì nom chú ngựa có vẻ hung dữ, nhưng ông Dũng đã nhảy qua hàng rào tới sát bên. Chú ngựa trở nên hiền lành nghển cổ cho ông vỗ vào má. Sau đó, ông Dũng đưa tôi lên ngôi nhà lớn trên đỉnh đồi. Đó là ngôi nhà ba tầng mới xây của gia đình ông. Chúng tôi cùng lên căn phòng trên tầng áp mái. Đây có thể coi là một bảo tàng về những chiếc yên ngựa mà ông Dũng đã làm trong hàng chục năm qua.
Những ký ức tuổi trẻ tràn về trong tâm tưởng ông Dũng. Chung quanh ngôi nhà là vườn hoa cẩm tú cầu tím biếc. Ông khoe chiếc yên ngựa đầu tiên theo mẫu đặt hàng vào năm 1983. Cũng từ đó ông cùng cha là những người đóng yên ngựa chủ yếu ở Đà Lạt. Ông tiếp tục hành nghề kiếm sống sau khi cha mất và trở thành thợ đóng yên ngựa duy nhất tới hiện nay.
Ông nhớ lại, những năm đầu tiên làm du lịch, những người chăn ngựa không thể có tiền mua nổi một chiếc yên ngựa bằng da bò vì quá đắt. Chớp thời cơ này, chàng trai Nguyễn Anh Dũng khi đó mới 17 tuổi quyết định làm nghề yên ngựa. Ông nhớ lại, có thời gia đình ông phải thuê người làm may cắt gia công đóng hàng chục bộ yên ngựa cho một đoàn làm phim. Ông là người may chính để dựng hình chiếc yên da sao cho đẹp và đúng mẫu đặt hàng. Đó là những đêm thức trắng với những mùa hoa trên đồi cao.
Chung quanh căn phòng ký ức còn có những chiếc mũ da và bộ quần áo kỵ mã do chính ông Dũng thiết kế và cắt may. Còn đó là những khẩu súng săn mà ông đã từng phi ngựa lên đèo Đran săn bắn trong rừng sâu. Những ô cửa kính rọi ánh xạ sắc màu cầu vồng hắt lên từ những bông hoa cẩm tú cầu tròn xoe. Mái tóc bờm ngựa bay lên từ vai ông Dũng khi một cơn gió tràn qua. Đột nhiên, có tiếng dương cầm từ dưới sảnh nhà tầng một vang lên bản nhạc “Đa Nuýp xanh” réo rắt. Tôi ngạc nhiên vì những chùm âm thanh như mời như gọi trong mơ vậy.
Những bản nhạc kỳ thú
Tôi cứ đi trong dòng âm thanh kỳ diệu ấy và bỗng phát hiện ra mỗi căn phòng đi qua đều có tới hai cây đàn guitar được treo trên tường. Đôi mắt ngựa của ông Dũng nheo cười nhìn tôi một cách bí ẩn. Hình như tôi chưa nhìn thấy niềm vui nào được thể hiện như vậy. Ông cười đầy thú vị bởi làm tôi ngạc nhiên. Rồi sau đó ông mở cửa cho âm thành tràn ra sân vườn. Ông nói, đó là tiếng đàn của vợ ông ở dưới nhà đang tập chuẩn bị cho cuộc giao lưu đồng hương tại Đà Lạt. Hơn nữa, đây cũng chính là giờ cả nhà ông thường chơi đàn mỗi khi tề tựu đông đủ.
Ông có ba người con gái đều được học chơi đàn guitar và dương cầm từ nhỏ. Nên phòng nào của các con cũng đều có hai cây đàn. Cây đàn nhỏ để học và chơi từ khi lên ba tới mười hai tuổi. Chiếc còn lại để các con chơi khi vào tuổi thanh niên. Hiện nay hai con gái lớn là Tú Oanh và Tú Uyên đều là kiến trúc sư nên hay vẽ tranh treo cùng những cây đàn guitar.
Lúc này tôi mới để ý những căn phòng xinh xinh của những người con ông Dũng đều có những bức tranh đầy màu sắc dịu ấm. Riêng căn phòng của cô con gái thứ ba Thùy Dương đang học lớp tám thì chỉ có hai chiếc đàn xinh xinh màu nâu sẫm. Có lẽ đây là chiếc đàn nhỏ nhất trong những cây đàn guitar được bày cả ba tầng nhà. Nếu kể cả những chiếc đàn bày ở ba sảnh phòng khách thì bộ sưu tập của gia đình ông có tới 12 cây guitar.
Nhưng rồi điều làm tôi bất ngờ hơn cả, khi biết chính vợ chồng ông là thầy dạy nhạc và chơi đàn cho các con. Cô giáo Trần Thị Minh Nguyệt, vợ ông Dũng là người chơi đàn piano cho nhà thờ nhiều năm khi còn trẻ. Sau theo gia đình lên Đà Lạt, cô giáo Nguyệt dạy đàn và theo nghiệp âm nhạc trong hàng chục năm qua. Ngôi nhà trên đồi đầy hoa cùng những bonsai cây cảnh siêu nhỏ cũng do tay ông Dũng trồng, tạo nên không gian cổ tích ảo mộng. Tiếng nhạc dương cầm mỗi lúc một vang. Ông Dũng nói với tôi rằng, đây là bản nhạc nổi tiếng của Johann Strauss sáng tác vào năm 1886.
Thế rồi tôi lọt vào “động” âm nhạc của kỵ mã Nguyễn Anh Dũng mà không hề hay biết. Ông ngồi đó với cây đàn guitar cũ trong phòng thu. Với tôi, cây đàn cổ điển này là biểu tượng văn hóa và trở thành ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu. Hình ảnh trước mắt làm tôi ngỡ ngàng với chân dung kỵ mã Nguyễn Anh Dũng. Ông dạo khúc đầu tôi đã nhận ra giai điệu “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn. Một tác phẩm soạn cho guitar từ ca khúc nổi tiếng mà ai cũng thấy tâm trạng mình ở trong đó. Bóng người kỵ mã già hoang hoải với chú ngựa trên thảo nguyên cỏ hồng: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về…”.
Nghe chân ngựa về chốn xa
Tôi nghe chàng kỵ mã chơi đàn mà thấy lòng mình mê đắm. Một tâm trạng mệt mỏi và ngang tàng giờ đây chàng dồn vào âm nhạc một cõi đi về của mình. Quả ông là một nghệ sĩ thực thụ với “Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Tôi bỗng nhớ tới thi phẩm “Đàn guitar của Lorca” do Thanh Thảo sáng tác.
Nhìn kỵ mã Nguyễn Anh Dũng chơi đàn mà tôi ngỡ như ông đang “Đi lang thang về miền đơn độc/ Với vầng trăng chếnh choáng/ Trên yên ngựa mỏi mòn” (Thanh Thảo). Còn phía dưới tầng, tiếng dương cầm vẫn dịu dàng với giai điệu nghi lễ tình yêu. Cả hai hòa chung một bài ca về số phận con người. Họ đã cùng “Ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt” (Thanh Thảo). Rồi cất lên những âm thanh huyền diệu: “Con tim yêu thương vô tình chợt gọi/ Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. (Trịnh Công Sơn). Tôi lặng đi bên những bông cẩm tú cầu tím biếc.