'Ngọc sáng âm vang': Kết nối người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống

Ngày 24/11, tại nhà hát Bến Thành, đã diễn ra sự kiện 'Ngọc sáng âm vang', nằm trong khuôn khổ dự án 'Hò Xự Xang', do nhóm sinh viên trường ĐH FPT TP. HCM phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 1 (TP. HCM) tổ chức. Chương trình đã thu hút đông đảo khách tham quan ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ trên địa bàn TP. HCM.

Cải lương có đang bị “phủ bụi”?

Buổi biểu diễn cải lương là hoạt động cuối cùng của chương trình “Ngọc sáng âm vang”. Dù bắt đầu vào buổi trưa nhưng số lượng khán giả đã lấp đầy các hàng ghế, trong đó đa phần là các bạn trẻ. Buổi biểu diễn bắt đầu với tiết mục đơn ca của nghệ sĩ Hạ Nắng qua vở diễn Cải lương bách niên. Tiết mục đã đưa khán giả bước vào không gian của âm nhạc truyền thống, mở ra những cảm xúc mới mẻ trong lòng người xem.

Tiếp nối là vở diễn Ngọc sáng âm vang, với phần thể hiện của nhóm nghệ sĩ, gồm nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh, nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, nghệ sĩ Hạ Nắng, nghệ sĩ Phú Yên và nghệ sĩ Quỳnh Anh. Đây là sự kết hợp đặc biệt giữa hai thế hệ nghệ sĩ, giúp khán giả có một cái nhìn mới hơn về âm nhạc truyền thống của dân tộc. Nội dung của vở diễn hướng đến sự kế thừa cải lương bằng việc xây dựng nhân vật Lưu Ngọc đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các “trưởng bối” của mình. Đặc biệt, các tiết mục được hỗ trợ bởi ban đờn Nam Thinh, với những nghệ nhân gạo cội trong làng nhạc truyền thống, góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công của chương trình.

Phần trình diễn của hai thế hệ nghệ sĩ cải lương trên sân khấu của nhà hát Bến Thành.

Phần trình diễn của hai thế hệ nghệ sĩ cải lương trên sân khấu của nhà hát Bến Thành.

Sau khi xem xong buổi biểu diễn, chị Lê Thị Kim Phụng (25 tuổi) bày tỏ: “Các nghệ sĩ mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc. Mình là một người rất mê cải lương, chỉ nghe trên điện thoại là mình đã thấy thích rồi nhưng hôm nay được trực tiếp xem biểu diễn thì mình thấy sảng khoái hơn”.

Khán giả lấp đầy hội trường trong buổi trình diễn cải lương của chương trình “Ngọc sáng âm vang”.

Khán giả lấp đầy hội trường trong buổi trình diễn cải lương của chương trình “Ngọc sáng âm vang”.

Kết thúc vở diễn là phần giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Tại đây, khán giả đã có cơ hội hiểu thêm về chuyện những câu chuyện hậu trường, quá trình làm nghề của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ Hạ Nắng bày tỏ hy vọng: “Viên ngọc cải lương sẽ sáng mãi và mong mọi người chung tay để có thể gìn giữ và phát triển cải lương”.

Không dừng lại ở đồ án tốt nghiệp

Sự kiện “Ngọc sáng âm vang” của nhóm bốn sinh viên trường ĐH FPT TP. HCM tổ chức đã trở thành điểm nhấn đáng chú ý. Với mục tiêu thu hút sự tham gia của các bạn trẻ trong độ tuổi 18 - 25, dự án không chỉ đơn thuần là đồ án tốt nghiệp mà còn là cơ hội để kết nối giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống.

Theo chị Nguyễn Huỳnh Giang (trưởng nhóm dự án), nhóm gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn nghiên cứu tài liệu, tổng hợp và xác thực thông tin. “Quá trình để hiểu một cách sâu sắc là cái quá trình khó nhất khi thực hiện, nhưng mà một khi mình đã hiểu thì bằng mọi giá mình sẽ làm được”, chị Trang tâm sự.

Các bạn trẻ cùng chụp hình với các nghệ sĩ tham gia chương trình.

Các bạn trẻ cùng chụp hình với các nghệ sĩ tham gia chương trình.

Sự kiện không chỉ là cơ hội để giới trẻ hiểu thêm về cải lương, mà còn là sự nỗ lực bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến cộng đồng đặc biệt là các bạn trẻ. Thành công của dự án có được là nhờ vào niềm đam mê của nhóm và sự hỗ trợ của các nghệ sĩ và nhà tài trợ.

Nghệ sĩ Lý Kiều Hạnh bộc bạch: “Khi tôi làm việc và đọc kịch bản, tôi rất xúc động trước sự đầu tư có tâm của các bạn trẻ. Tôi mong các bạn sẽ gìn giữ và phát huy truyền thống nghệ thuật cải lương thêm nữa, nếu có điều kiện hãy giới thiệu cải lương đến với khán giả nhiều hơn và tôi hứa sẽ cố gắng hỗ trợ các bạn”.

Các bạn trẻ thích thú chia sẻ cùng nghệ sĩ cải lương.

Các bạn trẻ thích thú chia sẻ cùng nghệ sĩ cải lương.

Hướng về tương lai, chị Giang bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các chương trình tương tự, kết nối giới trẻ với cải lương. Chị hy vọng có thể hợp tác với các tổ chức để thực hiện thêm nhiều dự án văn hóa ý nghĩa, lan tỏa nét đẹp tinh hoa của di sản văn hóa Việt Nam.

Sự kiện “Ngọc sáng âm vang” không chỉ mang đến buổi biểu diễn cải lương đặc sắc mà còn có các hoạt động hấp dẫn, như triển lãm và workshop. Triển lãm tập trung giới thiệu trang phục cải lương qua các thời kỳ từ 1950 cho đến nay.

Qua buổi triển lãm, chị Lê Kim Phụng có những chia sẻ: “Mình đã từng tham gia nhiều chương trình tương tự. Nhưng chỉ có buổi triển lãm này là mình được đến gần, được chạm vào những bộ trang phục, nên nó mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc. Mình ấn tượng nhất với trang phục Kim Vân Nhạn Y, mặc dù nó không quá phô trương nhưng lại rất thu hút bởi có sự uy nghi”.

Triển lãm giúp khán giả hiểu thêm về cải lương từ quá khứ đến hiện tại, qua đó nâng cao nhận thức về loại hình nghệ thuật này. Sau triển lãm là workshop dạy ca cải lương của nghệ sĩ trẻ Hạ Nắng, kết hợp với ban đờn ca Nam Thinh. Workshop dành cho các bạn trẻ yêu thích và muốn tìm hiểu sâu hơn về cải lương, chia sẻ về các nốt nhạc và sự hình thành của loại hình này.

Sương Quý – Như Ý

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ngoc-sang-am-vang-ket-noi-nguoi-tre-den-voi-nghe-thuat-truyen-thong-post1694853.tpo
Zalo