Ngọc bích trong đời sống tâm linh thời xưa

Tập tục may áo quan ngọc bích vào thời nhà Hán (Trung Quốc) nhằm bảo vệ cơ thể bất tử và chỉ dành cho vua chúa.

Ngọc bích là biểu tượng của sự trong sáng, liêm chính và bất tử.

Ngọc bích là biểu tượng của sự trong sáng, liêm chính và bất tử.

Đây cũng là biểu tượng của sự trong sáng, liêm chính.

Cầu nối phần xác và phần hồn

Cách đây 2 nghìn năm, dưới thời nhà Hán, dòng dõi hoàng tộc Trung Quốc được chôn cất trong những bộ áo quan làm từ ngọc bích. Những miếng ngọc được mài dũa tinh xảo và ráp lại với nhau bằng sợi chỉ vàng và bạc. Đây là tập tục chỉ dành cho những người giàu và có tầm ảnh hưởng chính trị nhất vào thời điểm đó.

Đá là xương của đất, đá đẹp là ngọc, là tinh hoa của trời đất và được coi là có sức mạnh phi thường. Người Trung Quốc cổ đại có câu: “Ngọc dưỡng người, người dưỡng ngọc”. Nhờ độ bền và màu sắc trong mờ, ngọc bích trở thành biểu tượng của sự trong sáng, liêm chính và bất tử.

Ngoài ra, người nhà Hán quan niệm rằng con người có phần hồn và phần xác. Phần hồn, còn gọi là linh hồn, sẽ đi sang thế giới bên kia sau khi chết và ở lại cùng những người bất tử. Phần xác nằm trong mộ và chỉ có thể hợp nhất với phần hồn thông qua nghi lễ. Ngọc bích được cho là sẽ bảo vệ linh hồn và cơ thể trong mộ.

Trong ghi chép của sử gia người Trung Quốc Tư Mã Thiên, Hán Vũ Đế có một chiếc cốc ngọc khắc chữ “Vua chúa trường thọ”. Vị hoàng đế này cũng uống thuốc trường sinh làm từ bột ngọc bích trộn với sương sớm đặt trên một chiếc đĩa đồng nhằm kéo dài tuổi thọ nhưng không hiệu quả.

Ngoài ra, người nhà Hán sử dụng đá quý này nhiều nhất cho người chết có địa vị đặc biệt. Tập tục làm áo quan bằng ngọc bích để bảo vệ cơ thể bất tử là một trong những phong tục không thể thiếu.

Áo quan ngọc bích được ghi chép lần đầu vào khoảng năm 320 sau Công nguyên nhưng chúng là một bí ẩn cho đến cuối thế kỉ 20. Vào năm 1968, các nhà khảo cổ học phát hiện 2 bộ áo quan ngọc bích hoàn chỉnh ráp nối từ hàng nghìn khối ngọc nhỏ khâu bằng chỉ vàng.

Bộ áo quan được phát hiện trong lăng mộ của Trung Sơn vương Lưu Thắng và vợ ông, Vương phi Đậu Uyển. Mọi đồ vật trong lăng mộ hoàn toàn nguyên vẹn từ khi tìm thấy và là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của thế kỉ 20.

Kể từ bằng chứng đầu tiên này, người ta đã phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy ngọc bích rất phổ biến trong giới quý tộc thời nhà Hán. Đến năm 1985, các nhà khoa học tiếp tục khai quật một ngôi mộ quý tộc nhà Hán ở Yongcheng (Hà Nam, Trung Quốc).

Trong đó, một bộ áo quan cao 180 cm, rộng 125 cm, làm từ hơn 2 nghìn mảnh ngọc xâu với nhau bằng dây vàng. Trong mộ còn có mũ trùm đầu, mũ che mặt, áo ngoài, găng tay, quần, tất chân được làm bằng ngọc bích và may đo theo kích thước của một người trưởng thành. Hiện nay, khoảng 15 bộ đồ hoàn chỉnh chế tác từ ngọc bích được khai quật.

 Một bộ áo quan dành cho vua chúa Trung Quốc may từ ngọc bích.

Một bộ áo quan dành cho vua chúa Trung Quốc may từ ngọc bích.

Biểu tượng quyền lực

Theo Hậu Hán Thư, loại chỉ dùng trong bộ đồ phụ thuộc vào địa vị của người đó. Chỉ quần áo của Hoàng đế mới sử dụng chỉ vàng còn hoàng tử, công chúa, công tước, hầu tước sử dụng chỉ bạc.

Con trai và con gái của những nhà quý tộc này được phép dùng chỉ đồng, còn lại các vị trí thấp hơn dùng chỉ lụa. Những người dưới tầng lớp vua chúa, quan lại bị cấm chôn áo quan ngọc bích trong mộ.

Không chỉ áo quan, ngọc bích được sử dụng cho quan tài, mặt nạ, gối... cho người đã khuất. Các nhà khảo cổ học cho rằng việc dùng ngọc trong tang lễ xuất phát từ tập tục đeo mặt nạ ngọc vào thời Tây Chu (khoảng năm 1100 đến năm 711 trước Công nguyên) và dần được hoàn thiện vào thời nhà Hán.

Bên cạnh đó, người ta thường đặt một viên ngọc bích trong miệng người chết. Viên ngọc này được đẽo thành hình con ve sầu vì trong văn hóa Trung Quốc cổ đại, ve sầu là biểu tượng cho sự phục sinh. Nó sẽ xuất hiện trở lại sau một thời gian nằm im dưới lòng đất.

Sự tinh xảo còn thể hiện ở hình dạng của những miếng ngọc, như hình vuông, hình ngọc, còn cả hình thang và hình thoi. Giống như người Ai Cập cổ đại, người Trung Quốc cổ đại coi cái chết là sự kéo dài của sự sống và lăng mộ của hoàng đế là cung điện sau khi chết của ông, thể hiện cuộc sống vương giả trên dương gian. Tất cả những tiện nghi hàng ngày đều phải chôn theo hoàng đế và ngọc bích là một trong số đó.

Vào thời nhà Hán, ngọc bích được cho là tài sản của hoàng tộc nên bất cứ ai bị phát hiện sở hữu hoặc mua bán nó đều bị xử tử. Luật này nghiêm cấm tình trạng trộm mộ nhưng vào các thời vua sau này, luật này bị mai một và tình trạng trộm mộ xuất hiện dày đặc.

Tập tục này được cho là đã kết thúc dưới thời trị vì của hoàng đế đầu tiên của nước Ngụy. Giả thuyết cho rằng các vị vua chúa, quan lại thời đó lo sợ những đồ vật quan trọng như vậy sẽ là mục tiêu của những kẻ trộm mộ muốn lấy chỉ vàng, bạc bằng cách đốt áo quan.

Ngọc bích (nephrite) rất được coi trọng trong văn hóa Trung Quốc cổ đại. Loại đá này bền, rất cứng nên người cổ đại hay sử dụng làm công cụ và vũ khí.

Qua nhiều thế kỷ, ngọc bích được cho là có công dụng thần kì nên được chế tác thành nhiều đồ vật trang trí và phục vụ nghi lễ.

Vào thời điểm nhà Hán, từ năm 202 trước Công nguyên, ngọc bích được chế tác thành họa tiết động vật hoặc làm đồ trang trí cho giới quý tộc.

Nguyễn Minh (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngoc-bich-trong-doi-song-tam-linh-thoi-xua-post703449.html
Zalo