Ngoạn mục những kỷ lục thế giới bị phá vỡ tại Olympic Paris 2024

Có rất nhiều kỷ lục bị phá vỡ bởi các vận động viên (VĐV) tại Olympic Paris 2024, với đường đua xe đạp và đấu trường dưới nước đã chứng kiến nhiều kỷ lục nhất.

24 kỷ lục thế giới bị phá vỡ tại Olympic Paris 2024 với những VĐV đã khắc tên mình vào lịch sử khiến đông đảo khán giả phấn khích. Dưới đây là những gương mặt vàng của làng thể thao thế giới ở nhiều môn khác nhau:

Điền kinh

Cole Hocker người Mỹ trở thành VĐV phá kỷ lục Olympic ở nội dung 1.500m nam và giành chiến thắng bất ngờ trước hai ứng cử viên được yêu thích là Josh Kerr và Jakob Ingebrigtsen để giành huy chương vàng. Hocker đã đạt thành tích 3:27:65 để giành ngôi vô địch thứ 23 cho đoàn thể thao Mỹ tại Thế vận hội, phá vỡ kỷ lục Olympic trước đó là 3:28:32 do Ingebrigtsen thiết lập tại Tokyo 2020.

Armand Duplantis đã phá vỡ kỷ lục thế giới nhảy sào của chính mình theo cách đáng kinh ngạc, khi anh hoàn thành cú nhảy 6,25m, vượt qua kỷ lục trước đó 6,24m. Đây là lần thứ tám, VĐV người Thụy Điển này lập kỷ lục thế giới. Duplantis được các nhà tài trợ trả cho số tiền thưởng từ 30.000 đến 100.000 USD mỗi lần anh phá kỷ lục thế giới.

 Cú nhảy phá kỷ lục của Armand Duplantis tại đấu trường Olympic Paris 2024. Ảnh: GETTY.

Cú nhảy phá kỷ lục của Armand Duplantis tại đấu trường Olympic Paris 2024. Ảnh: GETTY.

Tương tự, có vẻ như không ai có thể phá vỡ kỷ lục Olympic của Kenenisa Bekele ở nội dung 10.000m nam lập năm 2008. Bekele chạy hết chặng đua với thời gian 27:01:17, nhưng Joshua Cheptegei đã phá vỡ kỷ lục của VĐV người Ethiopia được thiết lập trong bốn kỳ Thế vận hội Olympic. Chân chạy Cheptegei người Uganda đã hoàn thành chặng đua 10.000m với thời gian 26:43:14.

Leo núi

VĐV leo núi tốc độ người Ba Lan Aleksandra Miroslaw đã phá kỷ lục thế giới của chính mình hai lần chỉ trong vài phút ở vòng loại. Miroslaw hoàn thành lần leo núi thứ hai chỉ trong 6,06 giây, phá vỡ kỷ lục trước đó của chính cô là 6,24 giây, khiến các nhà bình luận thốt lên "không thể tin được".

Xe đạp

Bộ ba chạy nước rút nữ của đội tuyển xe đạp Anh gồm Katy Marchant, Sophie Capewell và Emma Finucane đã lập ba kỷ lục thế giới trên đường giành huy chương vàng. Các cô gái Anh hoàn thành loạt chung kết với thời gian 45,186 giây, lập kỷ lục thế giới, đồng thời phá vỡ hai kỷ lục tạm thời của Đức và New Zealand.

 3 cô gái vàng của xe đạp Anh. Ảnh: GETTY.

3 cô gái vàng của xe đạp Anh. Ảnh: GETTY.

Cũng trên đường đua xe đạp St-Quentin-en-Yvelines, đội tuyển chạy nước rút nam của Hà Lan đã phá vỡ kỷ lục Olympic của chính họ tại Tokyo. Roy van den Berg, Harrie Lavreysen và Jeffrey Hoogland đã chạy một vòng đường đua chỉ trong 41,279 giây, phá vỡ thành tích 41,369 giây.

VĐV người Úc Matthew Richardson có màn trình diễn ngoạn mục ở nội dung đua nước rút dành cho nam để lập kỷ lục thế giới với thời gian 9.091 giây. Nhưng kỷ lục của Richardson chỉ duy trì được gần năm phút, vì tay đua xe đạp người Hà Lan Harrie Lavreysen đã hoàn thành chặng đua của mình chỉ trong 9,088 giây.

Bơi lội

Bất chấp những đồn đoán hồ bơi tại Paris La Defense Arena chưa đạt chuẩn, rất nhiều VĐV vẫn phá vỡ kỷ lục ở các nội dung bơi lội tại Olympic Paris 2024. VĐV người Mỹ Bobby Finke đã giành huy chương vàng và phá vỡ kỷ lục thế giới tồn tại 12 năm ở nội dung bơi tự do 1.500m nam với thời gian 14:31:02. Kỷ lục thế giới trước đó được nắm giữ bởi Sun Yang với thời gian 14:30:67. VĐV bơi lội người Trung Quốc đã lập kỷ lục trước đó tại Thế vận hội Olympic London 2012.

 Kình ngư Bobby Finke chiến thắng trên đường đua xanh Olympic Paris 2024.

Kình ngư Bobby Finke chiến thắng trên đường đua xanh Olympic Paris 2024.

Gretchen Walsh, Torri Huske, Lilly King và Regan Smith đã phá vỡ kỷ lục thế giới ở nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp 4x100m nữ. Bộ tứ của đội tuyển Mỹ đã chế giễu kỷ lục thế giới trước đó khi hoàn thành với thời gian 3:49: 62, nhanh hơn gần 1 giây.

Kaylee McKeown đã phá kỷ lục Olympic 200m bơi ngửa nữ do Missy Franklin lập tại London 2012 với thành tích 2:03:73.

Các VĐV bơi lội Úc không chỉ dừng lại ở một kỷ lục Olympic khi đội tiếp sức tự do 4x200m nữ đã phá vỡ kỷ lục của Trung Quốc lập tại Tokyo. Những người giành huy chương vàng là Mollie O'Callaghan, Lani Pallister, Briana Throssell và Ariarne Titmus có thời gian 7:38:08, nhanh hơn 2 giây so với kỷ lục trước đó của Trung Quốc.

 O'Callaghan đã phá ba kỷ lục ở Olympic Paris 2024.

O'Callaghan đã phá ba kỷ lục ở Olympic Paris 2024.

O'Callaghan đã phá tổng cộng ba kỷ lục Olympic tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 khi đội tuyển nữ Úc thống trị ở vòng bơi. O'Callaghan giành ba huy chương vàng, đã chiến thắng ở nội dung bơi tự do 200m nữ với thành tích bơi kỷ lục Olympic là 1:53;27, phá vỡ kỷ lục của người đồng đội Titmus tại Tokyo.

Tiếp sức tự do 4x100m nữ cũng được Úc giành chiến thắng, với O'Callaghan, Shayna Jack, Emma McKeon và Meg Harris phá vỡ kỷ lục Olympic của chính họ là 3:29:69 tại Tokyo. Bộ tứ người Úc đã hoàn thành cuộc đua ở Paris với thời gian 3:28:92.

Siêu sao người Pháp Leon Marchand đã phá vỡ hai kỷ lục Thế vận hội trên đường giành bốn huy chương vàng và một huy chương đồng ở Olympic Paris 2024. Marchand phá kỷ lục bơi ếch 200m của Zac Stubblety-Cook tại Tokyo với thời gian 2:05:85. Kình ngư Marchand cũng phá vỡ kỷ lục tồn tại 16 năm của huyền thoại Olympic Michael Phelps ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nam, hoàn thành chặng đua với thời gian 4:02:95.

 Tay bơi Leon Marchand đại thắng trên sân nhà. Ảnh: GETTY.

Tay bơi Leon Marchand đại thắng trên sân nhà. Ảnh: GETTY.

Gretchen Walsh vừa bỏ lỡ huy chương vàng ở nội dung bơi bướm 100m nữ, nhưng đã lập kỷ lục bơi Olympic trong vòng bán kết. VĐV người Mỹ đã phá kỷ lục của Sarah Sjostrom tại Rio 2016 với thời gian 55,38 giây.

Pan Zhanle là VĐV bơi lội phá kỷ lục thế giới của chính mình tại Paris, sau Giải vô địch thế giới hồi tháng 2, với thời gian 46,40 giây ở nội dung bơi tự do 100m nam.

Bóng bầu dục 7 người

New Zealand đã giành huy chương vàng ở môn bóng bầu dục bảy người nữ, đồng thời phá vỡ kỷ lục Olympic, sau khi đánh bại Trung Quốc ở tứ kết với tỷ số 55-5, với kỷ lục điểm này do Úc nắm giữ trước đó. Một con số khác diễn ra trong trận tranh huy chương đồng với đội tuyển Mỹ, VĐV Maddison Levi đã phá vỡ kỷ lục Olympic năm 2016 về số lần chạm bóng nhiều nhất trong toàn giải đấu, khi ghi 11 bàn cho Úc, phá vỡ kỷ lục của Portia Woodman-Wickliffe tại Rio 2016.

Bắn súng

 Nụ cười chiến thắng của Oh Ye-jin.

Nụ cười chiến thắng của Oh Ye-jin.

Ngôi sao bắn súng người Hàn Quốc Oh Ye-jin 19 tuổi đã phá kỷ lục Olympic ở nội dung súng ngắn hơi 10m nữ trên con đường giành huy chương vàng. Oh đạt được số điểm là 243,2 tại Olympic Paris 2024, đánh bại số điểm 240,3 của Vitalina Batsarashkina lập từ Tokyo.

Ở nội dung súng trường hơi 10m nam, Sheng Lihao của Trung Quốc đã đánh bại kỷ lục Olympic của Shaner William người Mỹ từ thời Tokyo 2020 với số điểm tuyệt vời là 252,2 để giành huy chương vàng.

Lướt sóng

Môn thể thao này đã được đưa vào thi đấu Olympic tại Thế vận hội Tokyo 2020 và ngay mùa sau, không có gì ngạc nhiên khi kỷ lục Olympic đã bị phá vỡ tại Paris. VĐV lướt sóng người Brazil Gabriel Medina đã đạt được số điểm 9,90 trên một con sóng duy nhất trong lượt thứ năm. Đây là số điểm cao nhất cho một con sóng duy nhất diễn ra tại Thế vận hội.

 Chiến thắng độc đáo của ngôi sao lướt sóng người Brazil Gabriel Medina. Ảnh: GETTY.

Chiến thắng độc đáo của ngôi sao lướt sóng người Brazil Gabriel Medina. Ảnh: GETTY.

Bắn cung

Ngôi sao Hàn Quốc Lim Si-hyeon có màn trình diễn đáng kinh ngạc khi phá vỡ cả kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới. Lim đạt 694 điểm trên tổng số 720 điểm, phá vỡ kỷ lục Olympic 680 của Tokyo và kỷ lục thế giới là 692 điểm. Lim là người đầu tiên phá kỷ lục thế giới tại Olympic Paris 2024.

ĐĂNG HUY - ANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ngoan-muc-nhung-ky-luc-the-gioi-bi-pha-vo-tai-olympic-paris-2024-post804839.html
Zalo