Ngoại trưởng Ukraine: 'Chúng tôi sẽ không đầu hàng'
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba không đạt tiến triển về lệnh ngừng bắn trong cuộc hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi xung đột bùng nổ, theo AFP.
Phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hai bên không đạt tiến triển về lệnh ngừng bắn.
“Chúng tôi cũng trao đổi về lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ nhưng vấn đề này không có tiến triển”, ông Kuleba nói. “Dường như trong vấn đề này thì Nga còn có những người quyết định khác nữa”, ông nói, dường như ám chỉ Điện Kremlin.
Trong khi đó, ông Lavrov cho rằng phương Tây đã tạo ra xung đột này vì họ buộc Ukraine chọn giữa mình và Nga.
Vị ngoại trưởng cũng chỉ trích những chuyến hàng chở vũ khí “nguy hiểm” tới Ukraine. Dù vậy, ông cho biết Nga vẫn muốn tiếp tục thương lượng với Ukraine.
Về phần mình, ngoại trưởng Ukraine tái khẳng định đất nước ông sẽ không đầu hàng trong cuộc giao tranh với Nga.
“Tôi muốn nhắc lại rằng Ukraine chưa, không và sẽ không đầu hàng”, ông Kuleba nói với phóng viên sau cuộc hội đàm.
Vị ngoại trưởng mô tả cuộc gặp là “khó khăn” và cáo buộc ông Lavrov mang “những luận điểm cũ” về Ukraine tới bàn đàm phán.
Ông Kuleba còn cho biết tình hình khó khăn nhất là ở thành phố Mariupol - nơi bị quân đội Nga bao vây nhiều ngày qua - nhưng ông Lavrov không cam kết mở hành lang.
Hai ngoại trưởng hội đàm bên lề một diễn đàn ngoại giao tại thành phố nghỉ dưỡng Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi gặp còn có sự tham gia của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, AFP hôm 10/3 dẫn lời một quan chức sở tại.
Buổi gặp diễn ra trong bối cảnh hai bên chưa thể đạt được tiếng nói chung sau hai tuần giao tranh tại Ukraine và ba buổi đàm phán chưa có kết quả đột phá.
Hôm 9/3, ông Kuleba cho biết ông chỉ có mong đợi ở mức “hạn chế” vào buổi gặp này. Theo ông, sự thành công của buổi gặp còn phụ thuộc vào những chỉ thị mà Điện Kremlin đặt ra cho ông Lavrov.
Trong những tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột. Israel cũng đang cố gắng đứng giữa để giúp đưa đến giải pháp bằng cách trao đổi trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thường xuyên điện đàm với ông Putin.
Trước cuộc gặp hôm 10/3, hai bên đã giảm nhẹ lập trường công khai của mình nhưng quan điểm vẫn còn cách xa nhau. Nga đã thu hẹp các yêu cầu và chỉ tập trung vào sự “trung lập” của Ukraine, cũng như vào địa vị của các khu vực do Nga kiểm soát. Đồng thời, hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định không tìm cách “lật đổ” chính quyền Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7/3 cũng cho biết mình cởi mở với việc sửa đổi hiến pháp về việc gia nhập NATO và thậm chí sẽ thỏa hiệp về các vùng lãnh thổ hiện do Nga nắm giữ.
“Sự thay đổi là rất hiển hiện”, Ivan Timofeev, giám đốc các chương trình thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Nga, nhận định về lập trường thương lượng của Nga. “Lập trường ấy đã trở nên thực tế hơn”.