Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ thăm Nga vào tuần tới
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nga từ đầu tuần sau, nhằm trao đổi về quan hệ Trung-Nga trong giai đoạn tới.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa công bố hôm nay (28/3), nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 31/3 đến ngày 2/4.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov trong cuộc gặp tại Johannesburg, Nam Phi hồi tháng 2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều cùng ngày, người phát ngôn bộ này Quách Gia Côn cho biết, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ gặp nhà lãnh đạo Nga và hội đàm với Ngoại trưởng Lavrov. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng coi chuyến thăm này là cơ hội để cùng Nga thúc đẩy việc thực hiện các nhất trí chung quan trọng giữa nguyên thủ hai nước và trao đổi sâu rộng về sự phát triển quan hệ Trung-Nga trong giai đoạn tiếp theo, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm”.
Ông Quách Gia Côn đánh giá, Trung Quốc và Nga là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới. Những năm gần đây, dưới sự dẫn dắt chiến lược của nguyên thủ hai nước, Trung Quốc và Nga đã phát huy tinh thần láng giềng hữu nghị tốt đẹp lâu dài, phối hợp chiến lược toàn diện, hợp tác cùng có lợi cùng thắng, không ngừng làm sâu sắc thêm phối hợp chiến lược “lưng tựa lưng”, mở rộng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển và chấn hưng của mỗi nước, bảo vệ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.
Hồi tháng 2 năm nay, trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Lavrov tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Johannesburg, Nam Phi, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, nền tảng của tình hữu nghị Trung - Nga “không gì có thể phá vỡ”. Hai bên nên tận dụng cơ hội cùng nhau kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít, làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược Trung-Nga, bảo vệ vững chắc hệ thống quốc tế lấy Liên Hợp Quốc làm nòng cốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nước Phương Nam toàn cầu, thúc đẩy xây dựng một thế giới đa cực bình đẳng, trật tự và toàn cầu hóa kinh tế lợi ích bao trùm.