Ngoại trưởng Nga - Mỹ điện đàm nhiều vấn đề quan trọng
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio thảo luận về tình hình ở Ukraine và việc xóa bỏ 'các rào cản đơn phương' từ phía Washington.
Cuộc điện đàm diễn ra ngày 15/2 (giờ địa phương). Hiện chưa rõ những rào cản nào được thảo luận trong cuộc điện đàm giữa hai vị ngoại trưởng.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Marco Rubio tái khẳng định cam kết của Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine.
"Ngoài ra, hai nhà ngoại giao cũng thảo luận về cơ hội có thể hợp tác về một số vấn đề song phương khác", tuyên bố cho biết, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio điện đàm ngày 15/2. (Ảnh: REUTERS)
Trong khi đó, theo thông tin từ phía Nga, Ngoại trưởng Lavrov và Rubio "bày tỏ thiện chí chung của họ trong việc tăng cường tiếp xúc và tương tác để giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách, bao gồm Ukraine, vấn đề Palestine và Trung Đông nói chung".
Các quan chức Nga - Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán ngay trong thời gian tới để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine và những vướng mắc trong quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí làm việc để khôi phục "đối thoại giữa các quốc gia tôn trọng lẫn nhau" theo đúng tinh thần mà các tổng thống đã đặt ra.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, trong cuộc điện đàm ông Lavrov và ông Rubio cũng thảo luận về các cách giúp cải thiện "các điều kiện hoạt động của các phái bộ ngoại giao Nga" tại Mỹ.
Các chuyên gia sẽ sớm gặp nhau "để thống nhất các bước cụ thể nhằm cùng nhau loại bỏ các trở ngại đối với công việc của các phái bộ Nga và Mỹ ở nước ngoài", Bộ Ngoại giao Nga thông tin.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và tuyên bố hai nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp trong thời gian tới ở nước thứ ba, có thể là Ả Rập Xê-út.
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Các biện pháp này nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga, qua đó hạn chế hoạt động quân sự của nước này.