Ngoại trưởng Mỹ sẽ làm việc với Quốc hội về việc trừng phạt ICC
Ngày 21/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Quốc hội về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel.
Tại phiên điều trần của tiểu ban phân bổ ngân sách Thượng viện ngày 21/5, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng ông muốn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ICC được gia hạn.
Hãng tin AP dẫn lời ông cho biết: “Tôi muốn hành động chứ không chỉ lời nói”. Ông thúc giục Ngoại trưởng Blinken ủng hộ “nỗ lực lưỡng đảng” trong việc trừng phạt ICC không chỉ vì sự thù địch nhắm vào Israel mà còn “để bảo vệ lợi ích của chính nước Mỹ trong tương lai”.
Đáp trả lại các tuyên bố trên, ông Bliken nhấn mạnh rằng: “Tôi hoan nghênh việc hợp tác với Quốc hội về vấn đề này”. Trong một tuyên bố trước đó vào cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông sẽ làm việc với Quốc hội để có phản ứng thích hợp đối với động thái “hoàn toàn sai lầm” của ICC. Ông nhận định việc xin lệnh bắt giữ sẽ làm phức tạp thêm triển vọng đạt được thỏa thuận về con tin và lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Israel với nhóm chiến binh Hamas của Palestine.
Sự việc bắt đầu từ ngày 20/5 khi công tố viên ICC Karim Khan cho biết tòa án đang xin lệnh bắt giữ thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya Sinwar và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Khan cho biết nhóm công tố của ICC cũng đang xin lệnh truy nã Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như 2 thủ lĩnh hàng đầu khác của Hamas bao gồm Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (Mohammed Deif), thủ lĩnh của Lữ đoàn Al Qassem và lãnh đạo chính trị Ismail Haniyeh của Hamas.
Đối với ông Netanyahu và ông Gallant, ông Khan cho biết các cáo buộc bao gồm “gây ra sự hủy diệt, gây ra nạn đói như một phương thức chiến tranh, bao gồm cả việc từ chối cung cấp viện trợ nhân đạo, cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột”. Theo ông, “việc các chiến binh Hamas cần nước không biện minh cho việc từ chối cung cấp nước cho toàn bộ dân thường ở Gaza”.
Vào thời điểm đó, động thái này vấp phải sự phản đối gay gắt từ cả phía Israel lẫn chính phủ Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt khi tuyên bố: “Tôi từ chối sự so sánh ghê tởm của công tố viên ở Hague giữa Israel dân chủ và những kẻ sát nhân hàng loạt ở Hamas”. Ông cho biết ICC so sánh Hamas đã thực hiện các hành động tàn ác lên người dân Israel “với những người lính IDF đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa” là “sự bóp méo hoàn toàn thực tế”.
Ông Netanyahu nhận định động thái của công tố viên ICC là một kiểu bài Do Thái mới.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các quan chức của Washington chỉ trích ICC không có thẩm quyền xét xử đối với cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời khẳng định động thái này sẽ làm dấy lên lo ngại về quy trình.
Trước đây, các đảng viên Cộng hòa đã từng đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ICC, nhưng biện pháp đó không thể trở thành luật nếu không có sự ủng hộ từ Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện.
Năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng từng cáo buộc ICC xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ khi ủy quyền điều tra tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt vào các nhân viên ICC, bao gồm cả công tố viên Fatou Bensouda, thông qua phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
Tới tháng 4/2021, Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngay sau khi nhậm chức.