Ngoài thủ tục cấp phép đầu tư, cần cải thiện gì nữa để dòng vốn FDI yên tâm chảy vào Việt Nam?
Yếu tố quan trọng để tạo nên môi trường thuận lợi với các nhà đầu tư nước ngoài là pháp lý minh bạch, công bằng, tinh giản, dễ có khả năng dự đoán và coi trọng sự đổi mới. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư mới, môi trường đầu tư còn phải giúp các doanh nghiệp có thể thuận lợi duy trì và phát triển các dự án đã đầu tư.
Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu sụt giảm, FDI đăng ký mới và thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước tiếp tục cho thấy sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Việt Nam không thể chủ quan mà ngược lại cần liên tục hoàn thiện môi trường đầu tư để thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Nội địa, HSBC Việt Nam đã có trao đổi với VnBusiness.vn xoay quanh chủ đề này.
Qua làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, đâu là những yếu tố họ quan tâm nhất để ra quyết định đầu tư, thưa bà?
- Trước khi quyết định đầu tư vào một thị trường mới, các doanh nghiệp sẽ thường khảo sát và tìm hiểu về những quốc gia tiềm năng. Các yếu tố họ quan tâm sẽ bao gồm mức độ ổn định của nền kinh tế. Một nền kinh tế ổn định, bền bỉ và được điều hành tốt sẽ là môi trường kinh doanh lý tưởng cho doanh nghiệp, giúp họ phần nào hạn chế các cú sốc từ bên ngoài. Sự hỗ trợ của Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài cũng là một yếu tố được quan tâm. Chính phủ có những chính sách ưu đãi tốt, quy định rõ ràng, cụ thể trong đầu tư tư nhân sẽ có lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chi phí vận hành như thế nào? Năng lực của lực lượng lao động địa phương ra sao? Mạng lưới nhà cung cấp/chuỗi cung ứng địa phương có thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh hay không? Kết nối của quốc gia đó với khu vực và thế giới như thế nào, có thể tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu sản phẩm đầu ra đến các thị trường tiêu thụ chính không? Cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản chưa? Chính sách và tốc độ đưa Việt Nam thành nền kinh tế xanh hơn như thế nào?... Đó là những câu hỏi mà doanh nghiệp thường xem xét trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Bà đánh giá thế nào về sức hấp dẫn đầu tư của thị trường Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, và Việt Nam cần làm gì để gia tăng thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao?
- Đầu năm nay, HSBC đã thực hiện cuộc Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN, với đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại 6 thị trường ASEAN lớn nhất: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hơn phân nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát tại hầu hết các thị trường ASEAN đều chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh. 74 - 86% doanh nghiệp cảm thấy tự tin khi phát triển việc kinh doanh của họ tại Việt Nam trong năm nay. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một thị trường tiêu dùng đang lớn mạnh, được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt cả Anh, Đức, Thái Lan,… Nền kinh tế số của Việt Nam phát triển nhanh nhất ASEAN trong năm 2023, với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và kết nối Internet cao. Đây là những yếu tố quan trọng đóng góp vào sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.
Các chính sách của Việt Nam để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như mục tiêu hoạt động của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, việc phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050… đều minh chứng cho việc Việt Nam đang xây dựng nền tảng để đón làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ trong thời gian tới.
Để tận dụng những cơ hội rộng mở đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt các xu hướng của thế giới và chuẩn bị những điều kiện cần thiết, chuyển đổi hoạt động cho phù hợp thời cuộc. Bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nhân sự tay nghề cao, có kiến thức, chuyên môn, kỷ luật trong lao động, cũng là một yếu tố để thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư, Bộ KH&ĐT đã đề xuất đưa nội dung thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư và Thủ tục đầu tư đặc biệt vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để tạo chính sách đột phá cho thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Các hiệp hội, ban, ngành phát huy vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát doanh nghiệp, để họ có hướng phát triển đúng đắn, phù hợp chính sách thu hút đầu tư chất lượng cao của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, các thủ tục thuế, hành chính cần được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý, khuôn khổ quy định và chính sách cần nhất quán và dễ hiểu hơn.
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị các chính sách để thu hút đầu tư như cung cấp Quỹ hỗ trợ đầu tư, cung cấp thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư… Các doanh nghiệp đánh giá ra sao về những động thái này của Việt Nam?
-Với các nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố quan trọng để tạo nên môi trường thuận lợi là môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, tinh giản, dễ có khả năng dự đoán và coi trọng sự đổi mới. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư mới, môi trường đầu tư còn phải giúp các doanh nghiệp có thể thuận lợi duy trì và phát triển các dự án đã đầu tư.
Việc Chính phủ không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và môi trường đầu tư đã khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây đã cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư đang được cải thiện đều đặn. Các doanh nghiệp FDI đánh giá cao việc một số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tuy nhiên một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục được ban hành dẫn tới các thủ tục hành chính mới. Việc phải đối mặt với sự chậm trễ trong phê duyệt đã gây đình trệ kế hoạch triển khai dự án. Ngoài thủ tục cấp giấy phép đầu tư, các giấy phép quy hoạch liên quan, thị thực cho người nước ngoài cũng cần được cải thiện.
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Đỗ Kiều (thực hiện)