Ngoại giao văn hóa phục vụ phát triển bền vững
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực biến động phức tạp, ngoại giao văn hóa đã gắn chặt với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định “Đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác”. Như vậy, ngoại giao văn hóa chính là một trong những cấu phần quan trọng không thể thiếu của trường phái “ngoại giao mang bản sắc cây tre Việt Nam”.
Ba năm qua, ngoại giao văn hóa đóng góp tích cực vào nỗ lực chung, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đưa đất nước nhanh thoát khỏi đại dịch Covid-19, sớm tái mở cửa hội nhập; nắm bắt cơ hội, chủ động thúc đẩy hợp tác; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhận thức được củng cố, thể chế ngày càng hoàn thiện
Năm 2011, ngoại giao văn hóa lần đầu tiên được khẳng định chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng XI: “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng; ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”. Thực hiện chủ trương này, Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020 ra đời.
Sau 10 năm thực hiện chiến lược, nhận thức về vai trò và ý nghĩa của ngoại giao văn hóa được nâng lên tầm mức mới, giành được sự quan tâm, tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Năm 2021, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020, Chính phủ ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 để đáp ứng với yêu cầu tình hình mới. Đây là bộ khung để hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện.
Ngoài ra, Việt Nam và UNESCO đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025 trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Văn kiện này củng cố nền tảng để Việt Nam và UNESCO cùng phát huy giá trị của văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Triển khai toàn diện
Hoạt động ngoại giao văn hóa ở cấp cao đặc biệt nổi bật với sức lan tỏa mạnh và tác động sâu sắc, như Tổng Bí thư đọc thơ của William Yeats trong buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden; Chủ tịch nước tặng sách “Một con người, một chặng đường, một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” cho Tổng thống Mỹ; Thủ tướng tặng thư pháp “Chân thành, Tình cảm, Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật; Chủ tịch Quốc hội tặng sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam” cho Chủ tịch Quốc hội Cuba... Lãnh đạo cấp cao vận dụng ngoại giao văn hóa để: phát đi thông điệp mạnh mẽ về đất nước con người Việt Nam, về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; giành sự quan tâm và ủng hộ của công chúng quốc tế cho Việt Nam; và thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao ta với nguyên thủ các nước.
Hoạt động ngoại giao văn hóa ở cấp bộ, ngành được chú ý và coi trọng. Ngoại giao văn hóa là cấu thành xuyên suốt trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, thúc đẩy hợp tác với 109 quốc gia nằm trong mốc năm chẵn/năm lẻ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác. Ngoại giao văn hóa đã làm tốt chức năng mở đường, xúc tác quan hệ, quảng bá hình ảnh, vận động các danh hiệu thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Ở cấp địa phương, một năm có khoảng 9.000 lễ hội được tổ chức, trong đó có 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, 400 lễ hội lịch sử/cách mạng… Trong các hoạt động này, Bộ Ngoại giao đã luôn đồng hành và là một đối tác tin cậy cùng các địa phương, bộ, ngành triển khai toàn diện hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp cho nâng tầm và mở rộng quan hệ đối ngoại cũng như phát triển bền vững địa phương.
Ngoại giao văn hóa ở cấp độ quần chúng rất nhộn nhịp và đa dạng. Tính riêng Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã có 136 hội/câu lạc bộ thành viên với hơn 14.000 người tham gia trải khắp ba miền đất nước trong tất cả các lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật đến bảo tàng, di sản, giáo dục… Một số lãnh đạo của hội tham gia Ban lãnh đạo Liên hiệp UNESCO châu Á - Thái Bình Dương.
Tôn vinh chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài
Không gì hiệu quả và xác đáng hơn giới thiệu về đất nước con người Việt Nam khi giới thiệu về những người Việt đặc biệt như “Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Các hoạt động triển khai rộng khắp tại các châu lục, trong đó có 56 quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé qua và 22 vùng đất Người đặt chân tới. Nhiều Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai các hoạt động đa dạng như tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày sinh/ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức Hội thảo, xuất bản các tác phẩm của Bác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, sản xuất phim, triển lãm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Bộ Ngoại giao đã cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản sách “Tình cảm nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” và dịch, xuất bản sang nhiều thứ tiếng và phổ biến ở Anh, Pháp, Hà Lan, Czech… đồng thời xây dựng tủ sách mẫu về Bác và cung cấp sách cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Việt Nam-UNESCO là mẫu hình về hợp tác hiệu quả và thực chất
Phát huy truyền thống hợp tác tốt và trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, hoạt động ngoại giao văn hóa trong khuôn khổ UNESCO và với UNESCO phát triển ấn tượng.
Năm 2022, Tổng giám đốc UNESCO thăm Việt Nam. Năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến thăm làm việc với Tổng giám đốc UNESCO tại Paris. Việt Nam đã trúng cử và đảm nhiệm cùng lúc vị trí thành viên năm cơ chế quan trọng nhất của UNESCO. Đây là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng, ghi nhận khả năng đóng góp và năng lực điều hành, thực thi ngoại giao văn hóa của Việt Nam.
Ba năm qua, 12 khu di sản/khu dự trữ sinh quyển/danh nhân đã được UNESCO vinh danh đưa tổng số các danh hiệu này tại Việt Nam lên 60. Đây là những đóng góp cụ thể của ngoại giao văn hóa cho việc phát triển xanh, bền vững đất nước. nhiều đổi mới và sáng tạoChương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, hướng tới đặc thù của địa bàn, được công chúng sở tại đón nhận tích cực. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao đã chủ trì 20 hoạt động Ngày Việt Nam (8 tại châu Á, 8 châu Âu, 1 online, 2 châu Mỹ, 1 châu Phi). Chương trình ngày Việt Nam ở nước ngoài đã đưa những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt đến với công chúng các nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngay tại nơi họ sinh sống.
Ngoại giao văn hóa còn được thể hiện ở việc: (i) tổ chức thành công nhiều hoạt động tại các cơ chế đa phương, Liên hợp quốc, chương trình dành cho Ngoại giao đoàn như Ngày tìm hiểu Việt Nam; Ngày Gia đình ASEAN tại Hà Nội; Liên hoan ẩm thực quốc tế; Giới thiệu Cao Bằng, Quảng Ngãi; Ngày của Phở tại Nam Định… (ii) những hoạt động hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài như Xuân Quê hương, tổ chức đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, các hoạt động dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài…
2024-2025 là nửa sau của giai đoạn thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII và cũng là thời gian còn lại thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Thành quả của giai đoạn này sẽ tạo đà cho các nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 2021-2030. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ngoại giao văn hóa cần triển khai theo tinh thần “Khi lực vật chất chưa mạnh thì lực tinh thần phải cao”, như cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan (1937-2023) từng nói.