Ngoại giao kinh tế: Tạo động lực tăng trưởng mới
Năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế vừa phải tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Công tác ngoại giao kinh tế vừa phải tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới.
Ngoại giao Việt Nam với những chuyển động mạnh mẽ
Năm 2024, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm các nước, dự hội nghị đa phương và đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.
Điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 có thể kể đến là chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới Hoa Kỳ vào tháng 9, tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu như Apple, Meta, Google… đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyển giao công nghệ và phát triển các lĩnh vực đổi mới sáng tạo như AI, chuyển đổi số và Internet vạn vật (IoT).
Những cơ hội này không chỉ thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, mà còn đặt nền móng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Không những vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đến Chile và Peru tháng 11 đã thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt trong khung khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh.
Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Brazil đã nâng quan hệ Việt Nam - Brazil lên đối tác chiến lược, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn. Brazil sẽ trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do với khối này.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Singapore khẳng định quyết tâm thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước, tạo đột phá trong các lĩnh vực tăng trưởng mới, như logistics xanh, xây dựng trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng sạch, tín chỉ carbon, an ninh lương thực, tài chính xanh…
Năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia; nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE)...; thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi... đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang tính chiến lược, ổn định và lâu dài.
Đáng chú ý, ngoại giao kinh tế còn góp phần vào kết quả xuất nhập khẩu chung của cả nước cán mốc kỷ lục mới 786,29 tỷ USD. Với những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định: “Thông qua các hoạt động đa phương, hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng hợp tác và đóng góp cho các vấn đề toàn cầu đã được củng cố, tạo dựng niềm tin và thu hút sự quan tâm từ các đối tác”.
Ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, năm 2025, thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học - công nghệ... để bứt phá.
Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu gần đây.
Để tận dụng tốt những thời cơ này và để đi vào kỷ nguyên mới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn.
Làm được điều đó, một mặt ngoại giao kinh tế sẽ phải tiếp tục tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, du lịch… Theo đó, khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại, đầu tư hiện có, nhất là những thị trường, lĩnh vực còn chưa được khai thác; khai mở các nguồn đầu tư, tài chính mới, nhất là những nguồn lực từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn; giải quyết những dự án lớn tồn đọng, từ đó tạo đòn bẩy thu hút dự án mới; tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai các cam kết thỏa thuận quốc tế; cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả.
Mặt khác, cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đột phá vào những lĩnh vực mới. “Công tác đối ngoại, ngoại giao còn phải tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, lao động, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn, ngoại giao kinh tế số là trọng tâm, đột phá của ngoại giao kinh tế thời đại mới” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh