Ngoại giao đóng vai trò kiến tạo hòa bình xuyên suốt các giai đoạn lịch sử
Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và nêu cao tư tưởng hòa hiếu, khoan dung và nhân văn sâu sắc. Ngoại giao cũng đóng vai trò kiến tạo hòa bình trong lịch sử cũng như trong thời đại ngày nay.
Đây là chủ đề được trao đổi tại Hội thảo Quốc tế với chủ đề “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” do Bộ Ngoại giao vừa tổ chức.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.T
Tại Hội thảo, các đại biểu đồng tình với nhận định, cùng với mặt trận chính trị và quân sự, mặt trận ngoại giao đã phát huy sức mạnh và góp phần quyết định giúp Việt Nam giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975.
Trong video ghi hình gửi Hội thảo, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - nhấn mạnh, mọi cuộc xung đột đều phải kết thúc bằng giải pháp chính trị, mà chính trị chính là ngoại giao; vì vậy ngoại giao càng đóng vai trò quan trọng trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước, phát huy vị thế của đất nước trên trường quốc tế, để góp phần xây dựng đất nước, đạt được mục tiêu trở thành nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc.
GS,TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định, ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là sự kế thừa và nâng tầm truyền thống đặc sắc của hàng nghìn năm lịch sử, đỉnh cao là Hiệp định Paris.
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, ngoại giao phải là sự song hành của ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - khẳng định, thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đã xây dựng được mặt trận đoàn kết và thúc đẩy phong trào yêu chuộng hòa bình trên thế giới, giúp huy động sự ủng hộ to lớn về chính trị, ngoại giao, tinh thần và vật chất cho kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay, đối ngoại và ngoại giao cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin, nhằm củng cố hệ thống quốc tế minh bạch, công bằng, bình đẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc để xử lý nguy cơ, mầm mống bất ổn, phục vụ hòa bình, phát triển, bền vững.
Nhiều học giả nước ngoài và nhân chứng lịch sử cũng đánh giá cao vai trò của ngoại giao trong việc giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình.
Nhà văn Lady Borton, người đã từng làm việc tại Việt Nam trong và sau chiến tranh, đánh giá Việt Nam đã thành công “lôi kéo thế giới về phía chính nghĩa của Việt Nam”; phong trào đoàn kết quốc tế của Việt Nam với thế giới rộng lớn chưa từng có đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến.
Ông John McAuliff, cựu chiến binh Mỹ, Giám đốc Điều hành, Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) - cho rằng, Việt Nam có thể phát huy vai trò trung gian hòa giải và kiến tạo hòa bình bằng cách tận dụng vị thế độc đáo được các bên xung đột tín nhiệm và tin cậy, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế và mở rộng vai trò tích cực trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và thúc đẩy các giải pháp nhân đạo ở các khu vực xung đột.
Về quan hệ Việt - Mỹ, ông Tim Rieser - Cố vấn cấp cao về đối ngoại của Thượng Nghị sĩ Peter Welch - khẳng định hợp tác Việt - Mỹ được thiết lập mạnh mẽ, do vậy, không gì có thể thay đổi được sự hợp tác này.
Bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam - lạc quan cho rằng dù quan hệ song phương hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm song đã nhanh chóng phát triển với nhiều thành quả đáng khích lệ; đồng thời khẳng định quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều dư địa để phát triển.
Bà Latana Siharaj - Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam - cũng ca ngợi vai trò tiên phong của ngoại giao Việt Nam, góp phần quan trọng trong giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các ý kiến sâu sắc, tâm huyết từ các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhà nghiên cứu uy tín trong nước và quốc tế. Các ý kiến đã cung cấp rất nhiều thông tin, phân tích và luận giải nhiều vấn đề, gợi mở và đề xuất nhiều định hướng rất có giá trị để tiếp tục suy nghĩ, thảo luận trong thời gian tới trong quá trình triển khai đường lối đối ngoại trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu vì thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng./.