Ngoại giao Ấn Độ khẳng định vị thế cường quốc chủ chốt trong kỷ nguyên đa cực

Chính sách đối ngoại hiện đang là một chủ đề nóng tại Ấn Độ, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ truyền thông, giới học thuật và toàn xã hội.

Bài viết “India’s foreign policy priorities in 2025 and beyond” đăng tải trên Hindustan Times ngày 25/12. (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết “India’s foreign policy priorities in 2025 and beyond” đăng tải trên Hindustan Times ngày 25/12. (Ảnh chụp màn hình)

Đó là nhận định của cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia, nghiên cứu viên danh dự của Gateway House, tác giả ba cuốn sách về chính sách đối ngoại, trong bài viết “India’s foreign policy priorities in 2025 and beyond” đăng trên Hindustan Times.

Cục diện xoay vần

Theo ông Rajiv Bhatia, tần suất dày đặc của các bài bình luận về vấn đề quốc tế trên nhiều tờ báo, các viện nghiên cứu chiến lược phát triển nhanh chóng và những cuộc thảo luận ngoại giao đang dần chiếm ưu thế trên mạng xã hội, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của người dân Ấn Độ đến các diễn biến liên quan chính sách đối ngoại.

Điều này chủ yếu xuất phát từ hai yếu tố: Nền kinh tế của Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ song hành với vị thế quốc tế ngày càng vững chắc, vai trò lãnh đạo của New Delhi trong việc thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới.

Cựu Đại sứ cho rằng, chính sách đối ngoại của Ấn Độ là sự giao thoa giữa đổi mới và kế thừa, nhằm thích nghi với những thay đổi trong và ngoài nước. Vậy, đâu là định hướng cho chính sách đối ngoại và con đường ngoại giao của Ấn Độ trong tương lai gần?

Nhìn lại năm 2024, bức tranh toàn cầu đầy những biến động, thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng đa chiều (polycrisis). Đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và Tây Á (bao gồm Gaza, Biển Đỏ, Lebanon, Iran và Syria), đối đầu Mỹ-Trung Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và nền kinh tế toàn cầu.

Song song với đó, từ năm 2008, cán cân quyền lực bao gồm kinh tế, quân sự và chiến lược, đã chuyển dịch mạnh mẽ từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, phản ánh sự trỗi dậy của các cường quốc châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ là sự giao thoa giữa đổi mới và kế thừa, nhằm thích nghi với những thay đổi trong và ngoài nước. (Nguồn: The Diplomat)

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ là sự giao thoa giữa đổi mới và kế thừa, nhằm thích nghi với những thay đổi trong và ngoài nước. (Nguồn: The Diplomat)

Ông Bhatia khẳng định, trong bối cảnh đó, thế giới không còn đơn cực như thập niên 1990 hay lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, dù vẫn tồn tại sự bất cân xứng giữa các cực quyền lực. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các vấn đề kinh tế, công nghệ ngày càng giữ vai trò trọng tâm.

Theo vị chuyên gia này, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar không thể tách rời những khái niệm như phi toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng bền vững, khoáng sản chiến lược, chuyển đổi số hay trí tuệ nhân tạo (AI) khỏi cuộc thảo luận về ngoại giao. Đồng thời, “yếu tố Trump” đã tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới khi Tổng thống đắc cử Mỹ “đang chi phối các cuộc thảo luận về vấn đề quốc tế”.

Gần đây, Ngoại trưởng Jaishankar đã đưa ra hai quan điểm thú vị. Một là, để hướng tới mục tiêu Ấn Độ phát triển (Viksit Bharat) vào năm 2047, nước này cần một chính sách đối ngoại phù hợp với tham vọng. Hai là, chính phủ phải “đi trước đón đầu” ngoại giao kênh 2, bao gồm các phương tiện truyền thông, nhóm nghiên cứu và giới học thuật, trong việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo và chiến lược lớn cho vai trò của New Delhi trên trường quốc tế. Cả hai quan điểm đều là thách thức hấp dẫn đối với các học giả nghiên cứu chính sách đối ngoại.

Hơn hết, xét đến vị trí địa lý và yếu tố địa chính trị, Ấn Độ sẽ dành nhiều thời gian và nguồn lực để củng cố quan hệ hợp tác với các cường quốc và nước láng giềng gần. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Ấn Độ trong bối cảnh thế giới đầy rẫy phức tạp, khi hai lĩnh vực này đan xen và tác động lẫn nhau một cách mật thiết.

Bên cạnh đó, ông Bhatia chỉ rõ, duy trì và thúc đẩy quan hệ với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là trọng tâm hàng đầu của New Delhi. Ấn Độ dường như tự tin trong việc đối phó với “yếu tố Trump”, song ẩn bên dưới lại là những mối lo ngày càng lớn về các chính sách mà chính quyền mới của Mỹ dự kiến thực thi, bao gồm thuế quan, thương mại, cắt giảm thuế và nhập cư. Những động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước sông Hằng.

Trong những tháng tới, Ấn Độ sẽ tích cực quan sát diễn biến quan hệ Mỹ-Trung. Nếu mối quan hệ này trở nên căng thẳng, Washington và New Delhi có thể sẽ xích lại gần nhau hơn, thúc đẩy hợp tác trong Bộ tứ (Quad) và chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ của ông Donald Trump vào năm 2025.

Đi tìm lời giải đáp

Nhờ những nỗ lực ngoại giao bền bỉ và linh hoạt từ cả hai phía, quá trình tái thiết lập quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc cũng sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận. Những cuộc đàm phán gần đây giữa các đại diện đặc biệt của hai nước và cuộc họp sắp tới ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao có thể mở đường cho những trao đổi bình thường hơn.

Tuy nhiên, ông Bhatia trăn trở, liệu tiến trình này có diễn ra suôn sẻ để dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh song phương giữa các lãnh đạo hàng đầu hay không, vẫn là câu hỏi đang đi tìm lời giải đáp.

Mối quan hệ Ấn Độ-Nga cũng phát triển mạnh mẽ, trọng tâm chuyển từ các vấn đề truyền thống như hợp tác quốc phòng sang những lĩnh vực chiến lược mới như năng lượng, sản xuất và công nghệ. Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi dự kiến diễn ra tại Delhi vào đầu năm 2025 được kỳ vọng tạo ra một làn sóng mới, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương.

Đặc biệt, trước thềm năm mới, cựu Đại sứ đặt câu hỏi: Liệu xung đột tại Ukraine và Tây Á có kết thúc?

Lời tuyên bố về việc kết thúc xung đột Ukraine trong "một ngày" lại là phép thử cho uy tín của ông Trump. Ngoài ra, nhiều người tin rằng, ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng và Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Ukraine.

Còn với cục diện phức tạp ở Tây Á, sự kiểm soát quân sự của Israel tại đây có thể kết thúc các xung đột hiện tại nhưng cũng có nguy cơ khơi mào căng thẳng mới, tùy thuộc vào cách Washington và Tel Aviv nhìn nhận vấn đề an ninh.

Ấn Độ sẽ chú trọng thúc đẩy vai trò lãnh đạo khối Nam bán cầu. (Nguồn: The Diplomat)

Ấn Độ sẽ chú trọng thúc đẩy vai trò lãnh đạo khối Nam bán cầu. (Nguồn: The Diplomat)

Theo ông Bhatia, quan hệ với các quốc gia láng giềng sẽ là trọng tâm của chính sách đối ngoại Ấn Độ. Bangladesh, quốc gia láng giềng lớn nhất và thân thiện nhất, dường như đang trở thành một thách thức lớn nếu không có các biện pháp để khôi phục sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra, quan hệ với các quốc gia khác như Sri Lanka, Maldives và Bhutan cũng được dự đoán tiếp tục mở rộng, trong khi với Nepal có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, Pakistan và Afghanistan tiếp tục nằm trong tầm quan sát của New Delhi nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu, trừ khi Islamabad đưa ra cam kết chắc chắn về việc chấm dứt khủng bố xuyên biên giới.

Ông Bhatia nhấn mạnh, Ấn Độ sẽ chú trọng thúc đẩy vai trò lãnh đạo khối Nam bán cầu, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-châu Phi lần thứ tư, củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tích cực tham gia các tổ chức đa phương như BRICS, G7 và SCO.

Đặc biệt, New Delhi sẽ đẩy mạnh hợp tác với Nam Phi - quốc gia đang giữ chức chủ tịch G20. Một số nước cũng nằm trong “tầm ngắm” của Ấn Độ như Indonesia, Malaysia, Australia, Pháp, Italy, Argentina, Mexico, UAE, Saudi Arabia, Uzbekistan và Iran. Trong suốt 24 năm qua, Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc quản lý chính sách đối ngoại, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một chính sách đối ngoại đầy quyết đoán và ngoại giao thượng đỉnh sáng tạo.

Có thể nói, “cỗ máy ngoại giao” của Ấn Độ hoạt động vô cùng hiệu quả, kết hợp chặt chẽ các yếu tố như an ninh quốc gia, kinh tế và đối ngoại thành một chiến lược cố kết, giúp nước này khẳng định vị thế cường quốc chủ chốt trong kỷ nguyên đa cực của thế giới.

Tựu trung, Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại, với nhiều chiến lược linh hoạt và quyết đoán. Đối diện với những thách thức và cơ hội toàn cầu, quốc gia này không ngừng củng cố vị thế, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế, đồng thời giúp New Delhi tiếp tục tiến xa và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng quốc tế.

(theo Hindustan Times)

Ngọc Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lo-trinh-ngoai-giao-cua-an-do-truoc-them-ky-nguyen-moi-298891.html
Zalo