Nghiên cứu sâu sắc về 'hồn dân tộc' trong thơ Nguyễn Bính
Cuốn sách 'Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp' của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vừa được trao giải B của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Cuốn sách gồm tám phần, tập trung nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và những nét độc đáo trong thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Theo đánh giá, với cuốn sách sách này, “Nguyễn Sĩ Đại đã khai thác một cách sâu sắc về "hồn dân tộc" trong những tác phẩm của Nguyễn Bính, đồng thời phân tích sự ảnh hưởng của ông đối với nền văn học cách mạng Việt Nam”. Tác phẩm này cũng đang tham gia tranh giải tại Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay.
TS Nguyễn Sĩ Đại, 69 tuổi, quê Hà Tĩnh, là một cây bút kỳ cựu trong làng thơ ca và phê bình văn học. Ông từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và và đã xuất bản nhiều tác phẩm nổi bật như "Nơi em về", "Mùa hạ", "Trái tim người lính". Sách "Nguyễn Bính – Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" đã ghi dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của ông.
Trước Nguyễn Sĩ Đại đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Bính, đây là thách thức với người đi sau. Vậy trong cuốn sách này, có phát hiện gì mới? Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho rằng nghiên cứu một nhà thơ đậm bản sắc văn hóa dân tộc chính là cách để đối thoại với thế giới. “Đối thoại với thế giới không phải chỉ mình học theo họ. Mình học theo họ để làm lớn cho mình, nhưng đồng thời mình cũng phải trình ra với thế giới, nói như cách nói của nhiều người là hộ chiếu đi ra thế giới, là bản sắc dân tộc mình. Nói một cách đơn giản thì mỗi dân tộc có một bản sắc riêng của nó. Mỗi một số phận con người hay mỗi một dân tộc dù nhỏ bé bao nhiêu thì nó cũng giống như một hành tinh, nó không tẻ nhạt. Mà bản sắc của mình trước hết là phải tự tôn dân tộc. Nguyễn Bính là nhà thơ mang hồn dân tộc đậm nét, nên tôi ca ngợi.” – tác giả Nguyễn Sĩ Đại tâm sự.
Khi nghiên cứu về Nguyễn Bính, nghiên cứu sự lan tỏa của Nguyễn Bính, theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, chú trọng chính là ở cái hồn dân tộc ấy. TS Nguyễn Sĩ Đại cho rằng: “Hồn dân tộc trong thơ Nguyễn Bính như thế nào? Có phải ở cây cam, cây bưởi, phiên chợ hay cái gì khác nữa? Thì từ những hình ảnh cụ thể mình tìm ra được những gì sâu ở bên trong. Thơ Nguyễn Bính vừa cụ thể giậu mùng tơi, cây cau vừa trừu tượng khái quát hóa thành biểu tượng văn hóa. Nguyễn Bính khác Đoàn Văn Cừ khác Anh Thơ ở chỗ đó. Đồng thời ông cũng rất hiện đại và tôi muốn khám phá cái sự hiện đại, cái sự khái quát, cơ chế sáng tạo nghệ thuật ở Nguyễn Bính là gì mà ông có thể truyền tín hiệu đi xa đến thế!”
Nói về lý do nghiên cứu lại thơ Nguyễn Bính vào thời điểm này, TS Nguyễn Sĩ Đại cho biết cảm hứng này bắt đầu từ việc đọc lại bài "Mưa xuân" trong mùa xuân 2023, khi ông bước vào tuổi 70. Tuổi 70 mà đọc Nguyễn Bính vẫn thấy “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”, còn thấy điều gì phơi phới như một tình yêu.
Trong cuốn sách, TS Nguyễn Sĩ Đại cho rằng: Nguyễn Bính không chỉ "chân quê" mà chính là hiện đại trong sự chân quê ấy. Cùng với Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ… Nguyễn Bính đã "xây nên một bảo tàng làng quê Bắc Bộ trong thơ", là hiện thân "của tình làng, của hồn quê Việt". "Những bài thơ của Nguyễn Bính đã chở cái đẹp giản dị mà thẳm sâu của con người và cảnh vật nước Việt đến với mọi thời đại, mọi tầng lớp. Nó không chỉ xuyên qua, bỏ lại phía sau mọi sương mù, mọi định kiến, những khói lửa chiến tranh và từng thời kỳ lịch sử để bền chặt, lắng mãi trong hồn người, hồn nước". Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành thơ ca kháng chiến ở Nam Bộ, mà bài "Tiểu đoàn 307" được phổ nhạc sống mãi với thời gian.
Về con người Nguyễn Bính, theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, đó là con người có tình yêu, tình người, tình đời cháy bỏng; "một tâm hồn trong trẻo bình dị"; "một tính cách khảng khái"; "dũng cảm và trung thực", là "thi sĩ của thương yêu", là tấm lòng son sắt với cách mạng và Bác Hồ...