Nghiên cứu quy định về nhà ở riêng lẻ trong các vùng di sản
Chiều 27/8, tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm góp ý là quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với các dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 29 của dự thảo Luật).
Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định xây mới nhà ở riêng lẻ, rà soát các tiêu chí, quy trình, thủ tục phù hợp với các loại công trình đảm bảo vừa chặt chẽ trong quản lý, vừa thuận lợi để phát huy giá trị di sản và giải quyết những vướng mắc cho người dân sinh sống trong các vùng của di sản.
Đến từ Đoàn Quảng Ninh - nơi có di sản vịnh Hạ Long, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến về quy định trên.
Theo đó, khoản 1 của Điều 29 dự thảo có quy định là xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ 2 của di tích chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thiên nhiên thế giới.
Đại biểu Hà nêu thực tế hiện nay nhiều công trình mất rất nhiều thời gian để triển khai. Rất nhiều cử tri và du khách bức xúc với việc như giữa vịnh Hạ Long không có sóng điện thoại, lúc thời tiết bão gió thì không thể nào liên lạc được với các phương tiện tàu thuyền ở trong khu vực của vịnh, bởi quy định là để lắp được cột thu phát sóng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay là các rãnh thoát nước chảy trực tiếp vào các di tích quốc gia, đặc biệt là Yên Tử trong một diện tích rừng rộng lớn như thế cũng phải báo cáo mới được thực hiện.
Ngoài ra, theo Đại biểu Hà, cần làm rõ việc dự án đầu tư, xây dựng công trình kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ 2 của di tích có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến di tích để làm cơ sở quy định về việc lấy ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu cơ quan chuyên môn văn hóa cấp tỉnh, đồng thời bổ sung thêm quy định về các nội dung lấy ý kiến.
Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị bổ sung việc quyết định đối với các dự án sửa chữa, cải tạo trong khoản 1 vì các dự án này chưa được nêu cụ thể trong các dự án sửa chữa, cải tạo công trình trong khu vực bảo vệ 1 của di tích.
Cũng theo Đại biểu Hà, tại khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định về việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ di tích. Nội dung này chưa đề cập đến việc xây dựng mới nhà ở riêng lẻ, nhất là ở các vị trí chưa có công trình hiện trạng nhưng đã có và phù hợp với quy hoạch.
Do đó, Đại biểu đề nghị, cần bổ sung quy định về việc xây dựng mới nhà ở riêng lẻ để làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư và xây dựng. Nghiên cứu sửa đổi điểm b khoản 2 Điều này hướng theo hướng quy định các công trình nhà ở riêng lẻ có những tiêu chí nào khi thực hiện sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại hoặc xây mới phải xin ý kiến và đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh do phạm vi công trình chịu ảnh hưởng quy định này rất lớn. Đặc biệt, đối với tỉnh Quảng Ninh có nhiều công trình di tích và phạm vi khu vực bảo vệ được xác định rất rộng như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đại biểu Hà còn đề nghị, tại khu vực bảo vệ 2 của di tích cũng cần có các dự án sửa chữa và cải tạo bởi dự thảo Luật chưa có quy định đối với các dự án này mà mới chỉ dừng ở các công trình kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị bỏ khoản 5 “Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 2 Điều này”; có thêm các nội dung cụ thể hóa hơn ở khoản 1, khoản 2 nếu cần để đảm bảo việc thực hiện Luật sau khi ban hành không cần phải có hướng dẫn quy định của Chính phủ.