Nghiên cứu mức thuế cao hơn đối với người nhiều diện tích đất, nhà ở

Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 28/10, vấn đề giá bất động sản tăng cao khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại. Nhiều đại biểu đề xuất cần nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm bình ổn giá nhà, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tại phiên họp ngày 28/10.

Các đại biểu tại phiên họp ngày 28/10.

Kiểm soát tình trạng đầu cơ

Lo ngại trước tình trạng giá bất động sản tăng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, trong thời gian vừa qua, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.

Đại biểu cũng lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường. Theo Đại biểu, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá đang dẫn đến nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó có thể mua được trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, không ít người có tiền lại đang "găm" vào đất với hi vọng tìm kiếm lời.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này.

"Qua nghiên cứu của các chuyên gia thấy rằng nếu tháo gỡ được những vướng mắc của các dự án căn hộ hiện nay thì có thể đưa vào thị trường thêm vài nghìn căn hộ nữa, sẽ giảm giá của bất động sản hiện nay", đại biểu nêu.

Cùng với các nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.

"Thời điểm chín muồi" xây dựng chính sách thuế

Cũng lo ngại về vấn đề giá đất, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao bất thường rồi sau đó không mua khi trúng đấu giá, cần bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó sau khi trúng đấu giá và phải cam kết nếu như trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị xử lý. Như vậy, sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi, bán lại, đặc biệt sẽ loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc.

Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung đưa ra giá bán cao một cách bất thường, Đại biểu đề nghị cần kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường. "Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ không chỉ phát hiện được sự bất thường của các giá bán cao để chúng ta bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn là cơ sở để thu thuế, điều tiết phần thu nhập tăng lên do giá cao", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu, giá nhà ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đang lên rất cao, ngày càng vượt xa tầm tay với nhu cầu ở thực của những người dân và tình trạng này cũng có phần do các chiêu trò thổi giá của các giới đầu tư. Tuy nhiên, rất khó xử lý khi đó là những giao dịch dân sự và thuận mua vừa bán, đóng thuế và phí chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Để giải quyết tình trạng này, Đại biểu cho rằng, cần có nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản, bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để nhằm khắc phục, bình ổn giá nhà.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị cần thu thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. "Tôi cho đến lúc này là thời điểm chín muồi để làm đạo luật thuế này. Tôi rất tha thiết đề nghị chúng ta nghiên cứu các sắc thuế này và xử lý những công cụ mang tính vĩ mô như vậy", Đại biểu nói.

Vấn đề này cũng đã được Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 đề cập. Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các Luật về thuế; có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-muc-thue-cao-hon-doi-voi-nguoi-nhieu-dien-tich-dat-nha-o.html
Zalo