Nghiên cứu mới: Omicron có thể kháng các loại vaccine ngừa COVID-19

Nghiên cứu mới cho thấy biến thể có khả năng 'né tránh' vaccine khi vaccine của Sinopharm, Johnson & Johnson, Sputnik tạo ra rất ít kháng thể hoặc gần như không tạo ra kháng thể chống lại Omicron.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một nghiên cứu công bố ngày 17/12 trên trang Bloomberg, các loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Sinopharm (Trung Quốc) và Johnson & Johnson (Mỹ) cũng như vaccine Sputnik do Nga phát triển, tạo ra rất ít kháng thể hoặc gần như không tạo ra kháng thể chống lại biến thể Omicron.

Kết quả nghiên cứu được cho là bằng chứng nữa cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng “né tránh” vaccine.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) và tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Humabs Biomed SA đã phân tích hiệu quả của 6 loại vaccine trong việc chống lại biến thể Omicron được cho là có khả năng lây truyền cao và mang nhiều đột biến nhất.

Trong số 13 người đã tiêm đủ hai mũi vaccine của Sinopharm chỉ có 3 người có kháng thể trung hòa chống lại Omicron. Đối với vaccine của Johnson & Johnson, tỷ lệ này là 1/12. Trong khi đó, không có ai trong số 11 người đã tiêm phòng đầy đủ với vaccine Sputnik tạo ra kháng thể.

Nghiên cứu cũng cho thấy lượng kháng thể giảm xuống mức thấp nhất ở những người đã từng mắc COVID-19 trước đó và đã tiêm đủ hai mũi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Cụ thể, mức độ kháng thể ở những người này giảm 5 lần, so với 44 lần ở những người đã tiêm hai mũi vaccine cùng loại nhưng không có tiền sử mắc COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đồng thời nhận thấy những người đã tiêm hai mũi vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca cũng tạo ra ít kháng thể hơn.

Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu công bố gần đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine lưu hành rộng rãi hiện nay đã giảm rõ rệt.

Trước đó, các kết quả nghiên cứu đầu tuần này cho thấy hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) và vaccine của Pfizer/BioNTech không cung cấp đủ kháng thể chống lại Omicron. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể sẽ cần một mũi tiêm tăng cường để cải thiện khả năng bảo vệ của vaccine.

Các nhà khoa học và cơ quan y tế công cộng trên thế giới đang nỗ lực tìm cách tăng cường khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 chống lại biến thể Omicron.

Những đề xuất được đưa ra bao gồm cung cấp mũi tiêm tăng cường sau 3 tháng kể từ mũi thứ hai, tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau và phát triển một thế hệ vaccine mới có khả năng ngăn ngừa biến thể này./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-moi-omicron-co-the-khang-cac-loai-vaccine-ngua-covid19/761626.vnp
Zalo