Nghiên cứu lập sàn giao dịch hoa thực tế và sàn hoa ảo

Các tỉnh vùng Tây Nguyên có hàng loạt sản phẩm đặc trưng đạt chất lượng cao để có thể phục vụ cho nhu cầu người dân TP.HCM.

Sáng 3-1, tại TP Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Võ Văn Hoan đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp về hợp tác - đầu tư “TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên: cơ hội mới, tầm nhìn mới”.

 Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: VÕ TÙNG

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: VÕ TÙNG

Đề xuất nhiều hợp tác

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Tiến sĩ Phạm S, Tây Nguyên là vùng trọng điểm nông nghiệp và là vùng cung cấp các sản phẩm nông nghiệp tốt nhất cho TP.HCM với hàng loạt sản phẩm nông sản đạt tầm cỡ thế giới.

Tiến sĩ Phạm S giải thích, các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa cùng đất đỏ bazan thích hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có hàng loạt giống cây trồng đặc sản mà không có vùng đất nào có được.

 Tiến sĩ Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VÕ TÙNG

Tiến sĩ Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VÕ TÙNG

"Tây Nguyên có Festival Hoa, có Festival Cà phê, Công viên địa chất toàn cầu, có Thành phố âm nhạc của UNESCO, có Lễ hội cồng chiêng bên cạnh vùng nguyên liệu phong phú, có các loại cây trồng, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mà không ở tỉnh thành nào có được", Tiến sĩ Phạm S nói.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm S, năm 2024, Lâm Đồng cùng 4 tỉnh Tây Nguyên nổi bật là khu vực có tỉ lệ tăng du lịch cao nhất cả nước với hàng loạt điểm đến của du khách trong và ngoài nước. "Tất cả những gì tốt đẹp nhất của Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đều có thể phục vụ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp TP.HCM", Tiến sĩ Phạm S khẳng định.

Còn theo báo cáo, hiện Đắk Lắk có diện tích hơn 660.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước) và gần 42.000 ha mặt nước, với nhiều loại nông sản có sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như cà phê, cao su, điều ... thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu. Đây cũng là cơ hội để phát triển các dự án hợp tác.

Cũng tại hội nghị, Tỉnh Đắk Nông mang nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đến Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên và cộng đồng doanh nghiệp về hợp tác đầu tư. Cụ thể nhưng Tỉnh Đắk Nông cam kết hỗ trợ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, hỗ trợ đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ tín dụng, miễn tiền thuê đất...

 Đại diện 1 doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Đại diện 1 doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Lập sàn giao dịch hoa

Tại hội nghị đối thoại, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt đề xuất xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, trang trại trồng hoa với shop hoa, vựa hoa ở các chợ đầu mối tại TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ hoa tại TP.HCM.

Theo ông Sang, với sự hỗ trợ của Sở Công thương TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Hoa xúc tiến hoạt động hợp tác với các đối tác tại TP.HCM theo từng nhóm mặt hàng, thời gian và nhu cầu ký kết tiêu thụ sản phẩm hoa.

Ông Sang cho rằng, cần thiết phải mời doanh nghiệp từ TP.HCM tham gia Hoạt động hưởng ứng Festival hoa Đà Lạt hằng năm để có thể tìm hiểu năng lực sản xuất, quy trình sản xuất, đóng gói vận chuyển hoa ở Trang trại, hộ nông dân trồng hoa Đà Lạt - Lâm Đồng.

Ngược lại, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đề nghị được tham gia các triển lãm quốc tế về nông nghiệp tại TP.HCM về hoa và công nghệ, thiết bị trong nông nghiệp như Hortex 2024, Agritech 2024...

Hiệp hội Hoa Đà Lạt đề xuất UBND TP.HCM quan tâm hỗ trợ một hoạt động về Chương trình hợp tác giao thương xây dựng một số vựa kinh doanh hoa chất lượng trong các chợ đầu mối (niêm yết giá - không rác thải).

Bên canh đó là có chính sách hỗ trợ, đầu tư ban đầu cho các shop, trong và ngoài chợ đầu mối, gắn kết với hoạt động cung ứng ổn định sản phẩm hoa đạt chất lượng của các hộ, trang trại trồng hoa ở Đà Lạt trên tinh thần “chia sẻ lợi nhuận - rủi ro và nâng cao trách nhiệm cộng đồng về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Đà Lạt tại TP.HCM”.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM nghiên cứu lập ngay sàn giao dịch hoa. Trong đó, sàn giao dịch này phải có đầy đủ sàn hoa thực tế và sàn hoa ảo.

"Sàn hoa bao gồm đầy đủ không gian trưng bày, sàn giao dịch, có thể làm sàn giao dịch ngay tại Lâm Đồng để giảm chi phí", ông Hoan nói.

Hiệp hội Hoa Đà Lạt đề xuất TP.HCM tổ chức hoạt động Du lịch canh nông, Farmstay tại các Trang trại, Làng hoa, hộ nông dân nhằm gắn kết giữa người trồng hoa - Shop hoa - người sử dụng hoa để hội viên phát triển sản xuất hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và bền vững. Đồng thời chủ động tích cực phối hợp cùng với các cơ quan, Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là TP.HCM để cải thiện phương thức kinh doanh hoa nhằm nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, bền vững trong tiêu thụ sản phẩm hoa của Lâm Đồng.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghien-cuu-lap-san-giao-dich-hoa-thuc-te-va-san-hoa-ao-post828246.html
Zalo