Nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật, góp phần bảo vệ an toàn cán bộ hoạt động trong lòng địch

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Cục Công nghiệp an ninh (trước đây là Viện Khoa học và Công nghệ ) - đơn vị có bề dày truyền thống nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác, chiến đấu.

Qua trao đổi, chúng tôi được Thiếu tướng, PGS.TS Lưu Hồng Quảng, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh giới thiệu về Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều những tư liệu lịch sử đầy vinh dự, tự hào của lực lượng khoa học kỹ thuật công nghệ CAND trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển.

Nghiên cứu, chế tạo hàng ngàn giấy tờ cho lực lượng an ninh, tình báo của ta hoạt động bí mật trong lòng địch tại chiến trường miền Nam

Tại Phòng truyền thống của Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ, Cục Công nghiệp an ninh, nơi lưu giữ những hình ảnh, tư liệu quý của đơn vị, chúng tôi được biết, sinh hoạt chính trị vào các dịp lễ, sự kiện lớn của đất nước nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, của lực lượng CAND đã trở thành truyền thống của đơn vị, qua đó, giúp mỗi cán bộ chiến sĩ hiểu thêm và tự hào hơn về những chiến công của các thế hệ đi trước, từ đó gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang, thi đua lập thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cục Công nghiệp an ninh ra mắt mô hình tổ chức bộ máy mới (ngày 28/2/2025).

Cục Công nghiệp an ninh ra mắt mô hình tổ chức bộ máy mới (ngày 28/2/2025).

Cùng đồng nghiệp lật mở từng chồng hồ sơ đã úa màu thời gian mà các thế hệ CBCS Trung tâm trang trọng gìn giữ suốt hơn 50 năm qua, Đại tá Lê Văn Duật, Giám đốc Trung tâm giới thiệu, đây chính là các tài liệu nghiệp vụ quan trọng mà qua bàn tay, khối óc tài hoa của các lớp thế hệ đi trước đã làm nên.

Từ các mẫu giấy tờ tài liệu gốc của địch như: Giấy miễn quân dịch, Thẻ căn cước, Giấy chứng nhận tình trạng hợp lệ quân dịch, Công vụ lệnh, …được Cục Phái khiển và Cục Tình báo Quân đội của ta thu thập, cung cấp, các cán bộ chiến sĩ Tổ công tác nghiệp vụ thuộc lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ trước đây (tiền thân của Viện Khoa học và công nghệ; nay là Cục Công nghiệp an ninh) đã dày công nghiên cứu, chế tạo thành công để cấp cho cán bộ các ban, ngành của Đảng, các lực lượng biệt động, điệp báo, trinh sát vũ trang của ta đi lại “hợp pháp”, thuận lợi hoạt động trong vùng địch kiểm soát.

Cụ thể, đã nghiên cứu, chế tạo thành công trên 3.000 thẻ căn cước có màng dán bảo vệ hình khóm tre, sau này là hàng ngàn chiếc Thẻ căn cước rồng xanh, Giấy chứng nhận hợp lệ quân dịch, Công vụ lệnh..., để kịp thời gửi chi viện cho tất cả các chiến trường từ An ninh khu Trị Thiên, Ban An ninh khu V đến Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam…

Tầm nhìn chiến lược

Ngày 22/4/1960, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (C39) với nhiệm vụ chuyên trách về kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác trinh sát và nghiên cứu, sản xuất phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác Công an. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào công tác, chiến đấu và đào tạo của ngành Công an.

Ngay sau khi thành lập, công tác nghiên cứu, chế tạo các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, phục vụ công tác và chiến đấu của lực lượng CAND được Cục triển khai một cách khẩn trương, mà nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là tập trung nghiên cứu phương tiện liên lạc ngụy trang để cung cấp cho các tổ tình báo đang hoạt động trong vùng địch kiểm soát ở miền Nam và nước ngoài.

Trong điều kiện chiến tranh, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu đều thiếu khiến việc nghiên cứu, sản xuất hết sức khó khăn. Tổ công tác nghiệp vụ đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm. Đến năm 1962, cặp mực bí mật đầu tiên đã được chế tạo thành công và được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo chuyển ngay cho các tổ tình báo đang hoạt động ở địa bàn miền Nam, phục vụ liên lạc tình báo, nối liền huyết mạch thông tin Bắc – Nam.

Đại tá Lê Văn Duật và các cán bộ chiến sĩ Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ (Cục Công nghiệp an ninh) tham quan Phòng truyền thống, nơi trưng bày nhiều tư liệu quý của đơn vị.

Đại tá Lê Văn Duật và các cán bộ chiến sĩ Trung tâm Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ (Cục Công nghiệp an ninh) tham quan Phòng truyền thống, nơi trưng bày nhiều tư liệu quý của đơn vị.

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy càng siết chặt kiểm soát giấy tờ tùy thân của người dân, nhất là những người từ vùng giải phóng, vùng tranh chấp nhằm phát hiện, bắt giữ cán bộ ta; ngăn chặn việc đi lại trong vùng địch kiểm soát. Thẻ căn cước có hình khóm tre được đổi sang Thẻ căn cước có màng dán bảo an hình rồng xanh (Thẻ căn cước rồng xanh) sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ, có phát quang dưới ánh đèn tử ngoại, khiến nhiều cán bộ của Đảng, an ninh, biệt động của ta hoạt động trong vùng địch kiểm soát bị lộ, bị địch bắt hoặc nguy cơ bị lộ.

Theo yêu cầu của cấp ủy và An ninh miền Nam, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã giao cho Cục KTNV mà trực tiếp là Phòng Kỹ thuật tài liệu nghiệp vụ khẩn trương nghiên cứu, chế tạo “Thẻ căn cước rồng xanh” để cấp cho cán bộ Đảng, cán bộ an ninh, biệt động của ta đang hoạt động trong lòng địch.

Tổ công tác đã chạy đua với thời gian, tập trung toàn lực để nghiên cứu, chế tạo thành công “Thẻ căn cước rồng xanh” của Chính quyền ngụy Sài Gòn và nhiều chủng loại giấy tờ khác: Thẻ Cảnh sát đô thành, chứng minh thư sở an ninh - tình báo, chứng chỉ hợp lệ quân dịch... kịp thời phục vụ công tác tình báo, an ninh miền Nam, giúp cho hàng ngàn đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và cán bộ an ninh miền Nam không bị lộ, hoạt động an toàn trong lòng địch.

Ngày nay, các thế hệ trẻ Cục Công nghiệp an ninh đang tích cực học tập, tiếp bước truyền thống của các thế hệ đi trước, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ để nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật nghiệp vụ mới, thiết thực phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng CAND. Trong đó, Trung tá Trần Minh Thế, Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu Hóa lý đã chủ trì nghiên cứu thành công mực bảo an bằng nguyên tố đất hiếm Europi, được Bộ Công an trao tặng giải thưởng cao quý Trần Quốc Hoàn dành cho thành tựu nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Với năng lực làm chủ công nghệ trong lĩnh vực bảo an, đơn vị tiếp tục vinh dự được Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tin tưởng, giao thực hiện nhiệm vụ bảo mật, bảo an cho các nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng như: Thẻ Căn cước, Hộ chiếu và nhiều loại giấy tờ quan trọng khác của Đảng và Nhà nước, các loại thẻ, tài liệu cho các sự kiện quốc gia, quốc tế như phục vụ đảm bảo an ninh an toàn cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sắp tới.

Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Cục Công nghiệp an ninh quyết tâm đổi mới tư duy, hành động, tiếp tục phát huy các lĩnh vực có thế mạnh, phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an củng cố toàn diện tiềm lực cho công tác nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, đặc thù phục vụ công tác Công an, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên doanh liên kết phát triển công nghiệp an ninh lưỡng dụng, hiện đại để cùng với toàn lực lượng CAND phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Anh Hiếu – Tâm Phạm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nghien-cuu-lam-chu-ky-thuat-gop-phan-bao-ve-an-toan-can-bo-hoat-dong-trong-long-dich-i766672/
Zalo