Nghiên cứu khoa học - hoạt động quan trọng và cần thiết trong trường đại học

Nghiên cứu khoa học trong trường đại học được xem là nhiệm vụ quan trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững bên cạnh công tác đào tạo, hỗ trợ người học. Nếu nói giảng dạy là hoạt động cần thiết để giúp sinh viên nhận định vấn đề, giải quyết vấn đề thì nghiên cứu khoa học sẽ là công cụ giúp sinh viên nhận thức sâu hơn, có cách giải thích vấn đề phù hợp và cải tiến hơn.

Nghiên cứu khoa học trong trường đại học được xem là nhiệm vụ quan trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững bên cạnh công tác đào tạo, hỗ trợ người học. Nếu nói giảng dạy là hoạt động cần thiết để giúp sinh viên nhận định vấn đề, giải quyết vấn đề thì nghiên cứu khoa học sẽ là công cụ giúp sinh viên nhận thức sâu hơn, có cách giải thích vấn đề phù hợp và cải tiến hơn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động thường xuyên, cần thiết không chỉ với sinh viên mà còn của giảng viên. Giảng viên nghiên cứu vấn đề, giải quyết được vấn đề sẽ là người chỉ dẫn đắc lực, giúp sinh viên nhận định hướng đi cho phù hợp và có cách thức giải quyết vấn đề đúng trọng tâm.

Giảng viên luôn đồng hành cùng sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu

Giảng viên luôn đồng hành cùng sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu

Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực luôn được nhắc đến khi nói về các trường đại học và điều này cũng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng của một trường đại học. Bắt đầu từ cuộc cách mạng nông nghiệp ở Đức khi giảng dạy nông nghiệp bắt buộc phải theo sát thực tế do tính chất đặc trưng từng khu vực. Những trường đại học Đức đã phải triển khai các đề tài nghiên cứu khác nhau cho từng khu vực để có kết quả giảng dạy chất lượng cao.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định chức năng quan trọng nhất của trường Đại học là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu).

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng cho rằng phải tăng cường chương trình nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học. Nghiên cứu khoa học không chỉ bó hẹp trong một trường mà cần phải có liên khoa liên trường liên quốc gia, có như vậy mới tập hợp được lực lượng nghiên cứu có năng lực tham gia các công trình khoa học lớn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An

Nói một cách đơn giản, nghiên cứu khoa học là tìm ra đặc tính, bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng dựa trên những dữ liệu, số liệu, tài liệu đã thu thập được thông qua các hoạt động tìm hiểu, quan sát, làm thí nghiệm,... Vì vậy, một nghiên cứu khoa học phải có mục đích rõ ràng và sau đó là kết quả chính xác.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể thiếu của các trường đại học. Mọi thành viên của trường đều có thể tham gia và được khuyến khích tham gia. Mỗi đề tài thành công không chỉ đem lại danh tiếng cho trường mà còn góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời làm sâu sắc các kiến thức đã học cũng như mở mang kiến thức và tầm nhìn của các thành viên tham gia nghiên cứu.

Từ thực tế đó, bản thân mỗi giảng viên, mỗi sinh viên cần xác định được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy và học tập của mình.

Các hoạt đồng hỗ trợ, đồng hành cùng sinh viên nghiên cứu khoa học

Nhà trường cần tạo ra một môi trường tích cực, khuyến khích tinh thần sáng tạo, học hỏi thông qua việc xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, chịu khó trong việc nghiên cứu và phải lắng nghe góp ý, đóng góp từ những đồng nghiệp, bạn học để cải tiến cho quá trình nghiên cứu của mình.

Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” được Schumpeter sử dụng lần đầu tiên vào đầu thế kỷ thế kỷ 20. Sau đó được nhiều nhà khoa học phát triển cho đến nay. Tại Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ (2013) định nghĩa “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.” Đổi mới sáng tạo được coi là một trong những nguồn quan trọng và bền vững nhất cho sự thành công lâu dài của các tổ chức (Iturrioz và cộng sự, 2014). Các tổ chức phát triển dựa trên các nền văn hóa đổi mới sáng tạo có khả năng học tập, khám phá, thái độ và đổi mới tốt hơn (Jaskyte, 2004; Ismail & Abd Majid, 2007).

Theo March-Chorda và Moser (2011), gợi ý bốn yếu tố đáp ứng để tạo ra một văn hóa đổi mới: Sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của các lãnh đạo; Phổ biến và khuyến khích sự tham gia giữa các thành viên; Kích thích sự sáng tạo; Chia sẻ nhiệm vụ.

Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong trường học

Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ cho giảng viên, sinh viên về vai trò và lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học. Xác định rõ, nhiệm vụ chính của giảng viên là hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hai nhiệm vụ này bổ trợ lẫn nhau, gắn bó hữu cơ với nhau. Vì vậy, giảng viên không nên chỉ tập trung vào một nhiệm vụ giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, mà có trách nhiệm thực hiện cả hai nhiệm vụ này. Việc nâng cao nhận thức cho giảng viên cần duy trì thực hiện thường xuyên thông qua các phương tiện truyền thông trên website, mạng xã hội, tạp chí khoa học của nhà trường, lồng ghép nội dung truyền thông trong các buổi họp, tọa đàm, chuyên đề để thu hút các giảng viên tham gia thảo luận về các chủ đề liên quan.

Sinh viên DLA tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp

Sinh viên DLA tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp

Có 03 yếu tố chính tạo nên sự thành công trong nghiên cứu khoa học là: năng lực nghiên cứu, động lực nghiên cứu và môi trường nghiên cứu tốt. Vì vậy, nhà trường cần phải đầu tư, tác động thỏa đáng vào ba yếu tố này để tạo ra điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học nói chung và giảng viên nói riêng đạt được nhiều thành công hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Mỗi giảng viên cũng cần chủ động đầu tư vật chất, công sức, thời gian cho các yếu tố này và biết nuôi dưỡng lòng đam mê nghiên cứu khoa học, trau dồi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tự tạo động lực nghiên cứu bên trong nhằm đạt được nhiều thành công hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Sinh viên DLA đạt giải nhất ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Long An

Để khắc phục tình trạng giảng viên ngại không tự giác, không tự nguyện tham gia nghiên cứu khoa học, nhà trường cần xây dựng và ban hành cơ chế bắt buộc giảng viên phải dành thời gian tối thiểu cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Trường cần tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học theo chiều sâu, thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin khoa học - công nghệ với các trường bạn, viên nghiên cứu…

Ngoài ra, trường còn cần liên kết với các ngành, các địa phương nhận những “đề tài” mà thực tế kinh tế - xã hội- văn hóa - giáo dục Long An, Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn./.

PGS.TS. Đặng Thị Phương Phi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghien-cu-u-khoa-ho-c-hoa-t-do-ng-quan-tro-ng-va-ca-n-thie-t-trong-truo-ng-da-i-ho-c-a178064.html
Zalo