Nghiên cứu đề xuất mua thêm điện từ Trung Quốc và Lào
Tại dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương nêu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu đề xuất mua thêm điện từ Trung Quốc qua trạm B2B đặt tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Công suất điện trong nước phải tăng quy mô gấp 2,5- 3 lần đến năm 2030 và gấp từ 5-7 lần vào năm 2050. Ảnh minh họa - EVNHANOI.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5 - 3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5 - 7 lần vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.
3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.
Theo đó, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương nêu rõ, Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Hiện Việt Nam đang mua điện Trung Quốc qua 2 đường dây 220 kV Malungtang – Hà Giang và Maquan – Lào Cai trong mùa khô để đáp ứng một phần nhu cầu phụ tải. Tổng công suất mua điện hiện tại khoảng 550 MW, điện năng khoảng 2 - 3 tỷ kWh/năm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu đề xuất mua thêm khoảng 3.000 MW từ Trung Quốc qua trạm B2B đặt tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, với sản lượng khoảng 15 tỷ kWh/năm. Dự kiến nếu được phê duyệt, nguồn điện này sẽ được đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên.
Đối với nhập khẩu Lào, hiện nay, hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1000 MW nguồn điện từ Lào qua các đường dây 220 kV liên kết. Theo hiệp định giữa hai chính phủ, tổng công suất nhập khẩu từ Lào dự kiến sẽ tăng lên 5.000-8000 MW năm 2030.
Về khả năng xuất khẩu điện, dự thảo cũng đề cập Việt Nam hiện đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220 kV Châu Đốc -Tà Keo dài 77 km.
Trong giai đoạn quy hoạch, Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu việc trao đổi mua – bán và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng để tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai.
Về xuất khẩu điện không nối lưới, hiện nay, một số nghiên cứu đã được đề xuất xem xét khả năng xuất khẩu điện từ các nguồn năng lượng tái tạo không nối lưới. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép trong tương lai, việc tận dụng 1 số khu vực có tiềm năng tốt để phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu sang các nước láng giềng là hợp lý.
Quy mô xuất khẩu điện sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của bên nhập khẩu. Theo Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt QHĐ VIII, dự kiến công suất xuất khẩu điện dao động trong khoảng 5000-10.000 MW, trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải. Do vậy, Quy hoạch đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam.
Cụ thể:
Điện thương phẩm: Năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1238 - 1375 tỷ kWh.
Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360 - 1.511 tỷ kWh.
Công suất cực đại: Năm 2030 khoảng 90-100 GW; và năm 2050 khoảng 206 - 228 GW.
Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP giảm mạnh từ khoảng 1,25 lần trong giai đoạn 2026 - 2030 xuống 0,33 lần trong giai đoạn 2046 - 2050.
Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%.
Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và quản trị của các đối tác quốc tế theo JETP (Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng).