Nghiên cứu, đề xuất chính sách vượt trội để phát triển fintech, Blockchain tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng

Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy phát triển fintech, Blockchain tại Trung tâm tài chính quốc tế…

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Ngày 16/1/2025, tại hội thảo Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Đà Nẵng cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) ký hợp tác Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ hỗ trợ Thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy phát triển fintech, Blockchain tại Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Đà Nẵng, đồng thời phối hợp và hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI).

Về phía UBND Thành phố Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho Hiệp hội nghiên cứu các nội dung liên quan để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, đề nghị các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan của thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu toàn diện và sâu sắc để chủ động trong việc xây dựng dự thảo, đề xuất cơ chế, chính sách và báo cáo, quyết liệt triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 259/NQ-CP ngày 15/11/2024 của Chính phủ.

Theo ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Các hướng fintech cụ thể gồm: công nghệ thanh toán, công nghệ bảo hiểm, công nghệ tuân thủ, quản lý tài sản, an ninh mạng và Blockchain. Đồng thời, các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo tiêu chí ESG cũng được khuyến nghị tham khảo.

Để hiện thực hóa định hướng này, theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Thành phố Đà Nẵng cần tập trung vào ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, xây dựng trung tâm tài chính theo Nghị quyết 259-NQ/CP của Chính phủ, kết hợp với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, đồng thời gắn kết với ngành du lịch cao cấp.

Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua tích hợp các hoạt động kinh tế mới và cũ trong các cơ chế đặc thù của thành phố, tránh phụ thuộc vào một cơ chế riêng lẻ.

Thứ ba, thực tiễn hóa các vấn đề quan trọng cụ thể như thử nghiệm giao dịch tài sản mã hóa, sàn giao dịch carbon, sàn giao dịch dữ liệu…

“Hiệp hội Blockchain Việt Nam kỳ vọng những đóng góp của mình sẽ hỗ trợ tích cực vào các thỏa thuận đã ký kết với Thành phố Đà Nẵng, dưới sự chứng kiến của các cơ quan trung ương và địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.

Nam Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghien-cuu-de-xuat-chinh-sach-vuot-troi-de-phat-trien-fintech-blockchain-tai-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-da-nang.htm
Zalo