Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đầu tư công

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media Quốc hội

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Media Quốc hội

Các đại biểu đánh giá cao Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Dự thảo luật đã nghiên cứu tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện Luật, để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải tham gia phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải tham gia phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị bỏ quy định tại Điều 84 và Điều 107 để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

Theo đại biểu, hiện dự thảo luật vẫn chưa có quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành. Việc chưa có dự kiến thời điểm phát sinh hiệu lực dẫn đến việc khó xác định được thời điểm thực hiện các quy định chuyển tiếp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, bảo đảm tính khả thi của một số quy định, chính sách của dự thảo luật.

Đại biểu Lê Hoàng Hải cũng đề nghị rà soát kỹ các nội dung để bảo đảm là quy định về hiệu lực thi hành. Ví dụ, quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 108 không phải là quy định về hiệu lực thi hành; đề nghị tách nội dung tại khoản 5 và khoản 6 Điều 108 thành một điều về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư công.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi bên lề phiên họp Quốc hội. Ảnh: CTV

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi bên lề phiên họp Quốc hội. Ảnh: CTV

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự kiến thông qua đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát để thống nhất giữa nội dung của các luật này với nhau để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định có liên quan, tránh vướng mắc trong triển khai thực hiện sau khi các luật này được thông qua và có hiệu lực thi hành.

T.Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/nghien-cuu-danh-gia-ky-luong-de-xac-dinh-thoi-diem-co-hieu-luc-thi-hanh-cua-luat-dau-tu-cong-13f3f4b/
Zalo