Nghiên cứu cơ chế đặc thù phát triển miền Trung
Sáng 31/12, tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, lần thứ 5.
Năm 2024, tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ dự kiến đạt 7,6%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó 2 tỉnh Thanh Hóa và Khánh Hòa có mức tăng trưởng 2 con số. GRDP bình quân đầu người của vùng trong năm 2024 ước đạt 85,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Một số địa phương có GRDP bình quân đầu người cao hơn bình quân Vùng là TP. Đà Nẵng và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn các tỉnh đạt trên 237 nghìn tỷ đồng, trong đó có 13/14 địa phương tăng thu, cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh của các địa phương trong Vùng dần được phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2030, tăng cường liên kết Vùng, kinh tế - xã hội tăng trưởng ở mức 2 con số.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương đã phối hợp phát triển kết nối giao thông, quảng bá sản phẩm, du lịch với 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Nam cho rằng Thành phố Đà Nẵng luôn ý thức rằng để hòa vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc cần phải tạo thêm sự đột phá của quá trình hình thành các cực tăng trưởng, xác định các tọa độ ưu tiên cho tăng trưởng để thu hút đầu tư với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, định hình rõ ràng tiêu chí, đối tượng nhà đầu tư chiến lược cần hướng đến.
"Trong đó, không thể để tình trạng "một tỉnh tồn tại hai nền kinh tế" khi các dự án trọng điểm của vùng, quốc gia trên địa bàn tỉnh nhưng không có sự kết nối, lan tỏa đến các hoạt động kinh tế khác trong nội bộ tỉnh hay các địa phương lân cận", ông Nam nói.
Sau 2 năm thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 26/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đến nay đã có 8/34 nhiệm vụ hoàn thành như: Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; 14 Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Vùng, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho các mục tiêu phát triển.
Tuy vậy, Vùng này vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển như: xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế Vùng còn nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao; liên kết phát triển Vùng chưa chặt chẽ. Các đô thị trung tâm của Vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, du lịch là điểm sáng nhưng tái cơ cấu còn chậm, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc, chưa có cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển.
"Kinh tế biển chưa phát huy hiệu quả; chưa hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển. 6 ngành kinh tế biển trọng điểm được khẳng định trong quy hoạch vùng như: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo đóng góp chưa cao".
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của 6 Vùng và đề xuất thí điểm 3 chính sách đặc thù của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 26.
Đó là các chính sách cụ thể như: Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán; thí điểm hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; Thành lập Quỹ bảo tồn môi trường biển và di sản văn hóa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp các địa phương nghiên cứu một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho một số địa phương để đáp ứng được trong tình hình mới như điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội hội đồng điều phối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đánh giá, sau hơn 1 năm được Thủ tướng Chính phủ thành lập, Hội đồng điều phối Vùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: phát huy vai trò là đầu mối điều phối các hoạt động liên kết Vùng, giải quyết các vấn đề chung của Vùng; tổ chức họp, thảo luận và thông qua quy hoạch Vùng; điều phối trong thực hiện các dự án vùng và liên Vùng và tăng cường kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Vùng đã giao các Bộ, ngành 5 nhiệm vụ, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Nổi bật là đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư giao thông kết nối vùng, ưu tiên phát triển hạ tầng về năng lượng, phát triển các đại học tầm cỡ quốc gia, phát triển du lịch vùng và cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Bối cảnh tích hợp, hợp nhất các Bộ, ngành ở Trung ương sẽ nghiên cứu hoàn thiện các thiết chế liên kết điều phối địa phương, liên ngành hết sức quan trọng. Tôi muốn cuộc cách mạng này sẽ tạo ra các thế, lực mới cho Vùng, quan hệ hợp tác giữa các địa phương tốt hơn. Năm 2025 là năm đi vào cơ chế, tổ chức mới, đảm bảo tính kế thừa, phát triển bền vững. Trong đó, Hội đồng Vùng phải hoàn thiện, đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng."