Nghiên cứu bộ máy quản lý để vận hành đường sắt tốc độ cao

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nghiên cứu mô hình, bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ quản lý, vận hành các dự án đường sắt mới trong thời gian tới.

Một năm thành công của ngành đường sắt

Báo cáo tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 ngày 6/1, Tổng giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh cho biết, năm 2024, sản lượng hành khách đi tàu đạt trên 7 triệu lượt, tăng 14% so với kế hoạch; vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt hơn 7% so với kế hoạch và hơn 11% so với năm 2023.

Nhờ đó, tổng công ty thu về gần 9.700 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kế hoạch và 7,9% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 220 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động ước đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa: VNR.

Ảnh minh họa: VNR.

Năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được cải thiện sau khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga được đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm mức thu nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trong năm 2024 (từ 1/7 đến hết năm 2024) đã giúp VNR và các công ty vận tải phục hồi, tăng năng lực cạnh tranh.

Năm 2024, tàu Thống Nhất đi đúng giờ 98,9%, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Đến đúng giờ là 88,6%, tăng 15,9% so với cùng kỳ) Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 98,0%, tăng 1,8% so với cùng kỳ; đến đúng giờ 89,2%, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Để đạt được những thành tích đó, trong năm vừa qua, VNR đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt như chuyến tàu "Kết nối di sản miền Trung", tàu thuê nguyên chuyến, chuyến tàu văn hóa trà và du lịch tỉnh Thái Nguyên...

"Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Đây là dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước," ông Khánh cho hay.

Ngoài ra, cũng theo ông Hoàng Gia Khánh, việc hoàn thành hợp nhất 2 đơn vị là CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã đánh dấu sự thay đổi lớn với vận tải đường sắt nhằm tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.

Chuẩn bị cho quá trình vận hành đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Về mục tiêu năm 2025, Tổng giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh cho biết, năm nay, VNR phấn đấu doanh thu đạt hơn 9.400 tỷ đồng; bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%; đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 theo tiến độ đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá cao những nỗ lực, kết quả nổi bật của VNR với 3 trụ cột: Hạ tầng, vận tải, công nghiệp.

Về hạ tầng, Thứ trưởng đánh giá, tổng công ty đã làm tốt công tác bảo trì, phối hợp Cục Cảnh sát giao thông giải quyết lối đi tự mở; đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt đã chuyển tài sản kết cấu hạ tầng từ Nhà nước sang tổng công ty quản lý.

Cùng với đó là sự chuẩn bị những dự án đường sắt mới, kết nối biên giới, cảng biển. Đặc biệt là Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được thông qua chủ trương đầu tư, là nền tảng về kết cấu hạ tầng cơ bản cho ngành.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: VNR.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Nguồn: VNR.

Về vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhìn nhận, sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa tăng trưởng, dịch vụ đa dạng, nâng cao từ hình ảnh nhà ga, đoàn tàu; nhiều sản phẩm mới như đoàn tàu du lịch, đoàn tàu di sản miền Trung, đoàn tàu charter; vận tải an toàn, đúng giờ.

Đặc biệt, về công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu VNR phải có đề án cụ thể nhằm đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, nhất là về phương tiện đầu máy, toa xe.

"Đơn vị cũng cần nghiên cứu tổ chức mô hình, bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ mới về quản lý, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt đầu tư mới theo quy hoạch; chuẩn bị tâm thế để cùng nhịp thở và nhịp đập của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc," Thứ trưởng Huy nhấn mạnh.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tài khoản chủ đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tỷ lệ chênh lệch thành cao.

Theo đó, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1,541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, ứng dụng công nghệ đường sắt chạy trên tia, điện khí hóa.

Thu Thảo

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, VNR.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nghien-cuu-bo-may-quan-ly-de-van-hanh-duong-sat-toc-do-cao-37275.html
Zalo