Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật phòng trừ bọ hà hại khoai lang: Lợi ích thiết thực cho nhà nông

Trên cây khoai lang, bọ hà là sâu hại nguy hiểm gây thiệt hại về cả năng suất và chất lượng. Ngoài sử dụng thuốc hóa học thì nông dân trên địa bàn tỉnh chưa có những giải pháp sinh học hữu hiệu thay thế. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc tìm giải pháp phòng trừ bọ hà vào nhiệm vụ cấp tỉnh và giao nhóm thực hiện nhiệm vụ do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) làm chủ nhiệm triển khai đề tài 'Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang tại tỉnh Lạng Sơn'.

Theo số liệu khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha cây khoai lang, trong đó Lộc Bình là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất với 367 ha. Hầu hết các hộ trồng khoai đều ghi nhận có bọ hà gây hại với mức độ thiệt hại từ 10 đến 50% năng suất.

Nông dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình chăm sóc khoai lang

Nông dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình chăm sóc khoai lang

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết: Thời tiết khô, nóng làm cho đất nứt nẻ là điều kiện thích hợp cho bọ hà phát sinh và gây hại nặng. Vào đầu vụ khoai lang, bọ hà thường gây hại trong thân, dây khoai lang; cuối vụ, bọ hà tập trung gây hại củ. Sau khi thu hoạch, bọ hà có thể tiếp tục sinh sống trên tàn dư của cây khoai (thân, củ) ở vụ trước hoặc tiếp tục gây hại cho củ trong thời gian lưu kho bảo quản của các hộ dân.

Nếu bị bọ hà tấn công vào giai đoạn củ mới hình thành, củ sẽ không phát triển được, bị lép và giảm năng suất. Nếu bị bọ hà tấn công vào giai đoạn củ đã lớn, năng suất không giảm nhiều nhưng chất lượng củ khoai giảm do phần thịt xung quanh đường đục bị chuyển sang màu tím, có mùi hôi và vị đắng.

Qua khảo sát, điều tra, đánh giá, nhóm thực hiện nhiệm vụ xác định, sâu bệnh hại trên cây khoai lang chủ yếu là loài bọ hà Cylas formicarius (Fabricius).

Thực hiện mục tiêu nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái của bọ; nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp canh tác, biện pháp sử dụng bẫy pheromone giới tính, một số chế phẩm sinh học, biện pháp hóa học trong phòng trừ và nghiên cứu biện pháp phòng trừ bọ hà trong kho bảo quản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng màng phủ nilon cho hiệu quả tích cực do vật liệu che phủ làm giảm sự nứt nẻ của đất, duy trì độ ẩm của đất và tạo ra rào cản vật lý làm giảm sự xâm nhiễm của bọ hà vào củ. Trồng khoai lang trên đất vụ trước trồng lúa cũng làm giảm đáng kể tỷ lệ củ bị hại do bọ hà gây ra. Thuốc hóa học Kajio 1GR và Ammate 150SC có thể tiêu diệt bọ hà đến 80%. Sử dụng cát khô hoặc cát khô kết hợp trấu hun phủ bề mặt củ khoai lang trong kho bảo quản có tỷ lệ củ nhiễm rất thấp và không ghi nhận bọ hà gây hại trong suốt quá trình bảo quản...

Dựa vào kết quả của các nội dung nghiên cứu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng quy trình tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang theo các biện pháp cơ bản như: luân canh cây trồng, vật lý cơ giới, sinh học và hóa học.

Thí điểm tại 8 hộ nông dân trên địa bàn huyện Lộc Bình cho thấy, biện pháp tổng hợp trong phòng trừ bọ hà hại khoai lang đã có hiệu quả quản lý bọ hà đạt 81,05%. Mô hình quản lý tổng hợp bọ hà hại khoai lang có năng suất trung bình đạt 79,48 tạ/sào trong khi ruộng đối chứng năng suất khoai lang chỉ đạt 69,67 tạ/sào.

Ông Hoàng Văn Út, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Gia đình tôi canh tác 2,7 sào khoai lang theo chương trình nghiên cứu khoa học. Nhờ hướng dẫn của các nhà khoa học và thực hiện mô hình quản lý tổng hợp bọ hà gây hại khoai lang mà đến khi thu hoạch tỉ lệ củ bị bọ hà hại chỉ còn 2%, số củ bị sùng đất cắn vỏ còn 0,33%, trong khi các hộ không sử dụng biện pháp phòng trừ bọ hà tổng hợp có tỷ lệ củ bị bọ hà hại là 10,33%, bị sùng đất hại là 13,78%. Năng suất trung bình của gia đình tôi đạt 785kg/sào, cao hơn các hộ đối chứng hơn 100kg/sào. Hiện nay, tuy chương trình nghiên cứu đã kết thúc song gia đình tôi vẫn tiếp tục áp dụng những kinh nghiệm của các nhà khoa học chia sẻ để trồng và chăm sóc cây khoai lang.

Sau khi nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã tổ chức hội nghị phổ biến cho 30 nông dân trên địa bàn huyện Lộc Bình về biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang; phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện thông tin, tuyên truyền về kết quả nghiên cứu để nông dân chủ động tiếp cận và áp dụng vào sản xuất.

Khoai lang là một trong những nông sản chủ lực mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân huyện Lộc Bình. Việc nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu khoai lang Lộc Bình.

Với những kết quả mà nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đạt được, tháng 6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định công nhận kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ bọ hà hại khoai lang tại tỉnh Lạng Sơn”

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nghien-cuu-bien-phap-ky-thuat-phong-tru-bo-ha-hai-khoai-lang-loi-ich-thiet-thuc-cho-nha-nong-5019854.html
Zalo