Nghiên cứu, ban hành 3 nghị định và 10 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo

Bộ GD&ĐT chủ trì, nghiên cứu, ban hành 3 nghị định và 10 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo

Thứ trưởng Thường trực Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo

Ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên đất nước Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo – một lực lượng quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện hết sức quan trọng, là căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai. Để Luật, các nội dung của Luật đi vào cuộc sống, phải có các văn bản dưới luật. Quá trình ban hành các văn bản dưới luật đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức khoa học, thực tiễn và bài bản.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Theo Thứ trưởng Thường trực, Bộ GDĐT cũng tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình làm, rút ra được bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, “điều cần thiết là phải áp dụng, vận dụng quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo nói riêng để xây dựng các văn bản dưới luật. Điều này hết sức quan trọng và thiết thực”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong thời gian rất ngắn, Bộ GDĐT chủ trì, nghiên cứu, ban hành 3 nghị định và 10 thông tư để hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo. Thứ trưởng Thường trực cho rằng, đây là việc làm phức tạp, tác động tới hơn 1 triệu nhà giáo, tác động tới các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật.

Vì vậy, đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn này vẫn phải tiếp cận trên cơ sở bám vào đầy đủ những căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc khoa học nhất, thực tiễn nhất, cầu thị nhất, lắng nghe nhất.

“Thông tư hay nghị định thì vẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là để phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng được đội ngũ nhà giáo đảm bảo về cơ cấu, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, xây dựng những thế hệ học sinh của chúng ta đủ năng lực, đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Phạm Mạnh Hà, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, nêu đề xuất tại hội thảo

Ông Phạm Mạnh Hà, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, nêu đề xuất tại hội thảo

Xác định rõ tiêu chuẩn về chuẩn năng lực số và khả năng ứng dụng AI là yêu cầu bắt buộc

Đề xuất các chính sách cụ thể để phát triển đội ngũ nhà giáo, ông Phạm Mạnh Hà, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, đề xuất: cần quy định trong các thông tư chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, nhân viên, trong đó xác định rõ tiêu chuẩn về chuẩn năng lực số và khả năng ứng dụng AI là yêu cầu bắt buộc; đồng thời xây dựng nội dung bồi dưỡng này trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho toàn bộ nhân sự ngành giáo dục, bao gồm cả giảng viên và nhân viên hỗ trợ.

Bên cạnh đó, theo ông Hà, cần xây dựng một khung đánh giá hiệu suất thực chất, linh hoạt, lấy sự đổi mới sáng tạo và đóng góp thực tiễn làm trọng tâm, thay vì chỉ dựa vào thâm niên hay các chỉ số hành chính. Khung này cần được áp dụng đồng bộ cho cả nhân sự hỗ trợ nhằm tạo lộ trình phát triển công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, cần xem xét cơ chế xét thăng hạng đặc cách, linh hoạt hơn cho những cá nhân có thành tích vượt trội, thay vì quy định cứng về thời gian giữ hạng 9 năm như hiện nay.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa nhận định: Luật Nhà giáo được ban hành là động lực rất lớn, trở thành nguồn động viên, khích lệ đội ngũ. Từ đó, đội ngũ cũng nhận thấy trách nhiệm của mình đối với ngành, với nhân dân, đất nước.

Theo bà Trần Lưu Hoa, hiện nay, các Sở GDĐT đã thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo. Do đó, bà Hoa đề nghị, khi ban hành các thông tư hướng dẫn, Ban Soạn thảo cần mô tả cụ thể về thực hành sư phạm cùng tiêu chí để các địa phương có thể áp dụng với điều kiện của từng địa phương.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghien-cuu-ban-hanh-3-nghi-dinh-va-10-thong-tu-de-huong-dan-thi-hanh-luat-nha-giao-119250717162759258.htm
Zalo